Sau lần thất bại hồi cuối tháng 7/2019, nhà sáng chế người Pháp, Franky Zapata, đã bay thành công qua eo biển Manche (nằm giữa Anh và Pháp) vào sáng 4/8 bằng ván bay phản lực do chính mình thiết kế có tên là Flyboard Air.

ván bay phản lực Flyboard Air
Nhà sáng chế người Pháp bay thành công qua eo biển Manche trên ván bay phản lực của mình. (Ảnh: Zapata)

“Người bay” Zapata đã xuất phát từ Sangatte (Pháp) và đến Dover (Anh) trong vòng 22 phút với vận tốc đạt khoảng 170km/h trong hành trình dài 35,4 km. “Chúng tôi đã tạo ra cỗ máy này từ ba năm trước,” Zapata cho biết sau khi hạ cánh, “và giờ đây, chúng tôi đã vượt qua eo Manche. Điều này thật tuyệt vời.”

Tờ Guardian (Anh) cho biết chuyến đi này không được diễn ra liên tục. Bởi Zapata chỉ mang theo nhiên liệu (được gắn sau lưng) đủ cho 10 phút bay, vậy nên, ông đã phải nghỉ giữa chừng để nạp thêm nhiên liệu.

Đây là lần thứ hai Zapata thực hiện hành trình vượt qua eo biển Manche. Lần đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 7, khi ấy, sóng lớn tại eo biển Manche đã làm cho bãi đáp này bị dịch chuyển, từ đó khiến ông loạng choạng và rơi xuống nước.

Zapata đã phát minh ra Flyboard vào năm 2011, một thiết bị phản lực đeo ở chân, sử dụng nước để đẩy người lái bay lên không trung nhưng vẫn cần nối với dây dẫn gắn vào một con thuyền.

Sau đó, ông phát minh tiếp Flyboard Air, một ván bay 4 động cơ turbo phản lực cho phép người điều khiển bay lên không trung, (máy tính của thiết bị sẽ hỗ trợ việc giữ thăng bằng).

Năm 2016, Zapata đã thiết lập một kỷ lục thế giới về chuyến đi bằng ván phản lực bay xa nhất khi bay được quãng đường dài 2,252m dọc theo bờ biển phía Nam nước Pháp trên chiếc Flyboard Air của mình.

Giữa tháng 7/2019, Zapata lại gây chú ý khi cầm trên tay khẩu súng không có đạn và bay vượt qua đám đông trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Pháp. Hành động này mang ý nghĩa tượng trưng cho khả năng sử dụng phát minh của ông trong các nhiệm vụ về quốc phòng và an ninh. Năm 2018, Zapata đã được quân đội Pháp tài trợ số tiền 1,3 triệu Euro (khoảng 33,7 tỷ đồng) để phát triển một động cơ phản lực dùng cho mục đích quân sự.

Ông không phải là người duy nhất nghiên cứu về động cơ bay phản lực. Trước đó, nhà sáng chế người Anh Richard Browning đã phát triển một bộ đồ phản lực với 6 động cơ turbo được gắn vào cánh tay, qua đó cho phép người mặc có thể bay lên. Thiết bị này đã được vận hành trước sự chứng kiến của Quân đoàn Thủy quân lục chiến Hoàng Gia Anh.

Video dùng ván bay phản lực Flyboard Air vượt qua eo biển Manche:

Theo The Verge,
Phan Anh