Hôm 1/11 vừa qua, ba tập đoàn khai thác viễn thông là China Mobile (CHL), China Telecom (CHA) và China Unicom (CHU) của Trung Quốc đã cùng bắt tay nhau để cung cấp mạng 5G lớn nhất thế giới.

5g trung quoc
Quảng cáo 5G ở Trùng Khánh, Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Các gói cước dịch vụ 5G siêu nhanh cung cấp đến người dùng Trung Quốc có giá từ 128 nhân dân tệ (khoảng 18 USD) cho 30 GB dữ liệu dùng mỗi tháng. Theo Tân Hoa Xã, loại mạng tốc độ cao này hiện có mặt tại 50 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Riêng ở Thượng Hải, đã có gần 12.000 trạm gốc (base station) 5G được kích hoạt để hỗ trợ phủ sóng tại các khu vực trọng điểm ngoài trời của thành phố.

Trên thực tế, các quốc gia khác như Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G tại một số khu vực nhất định từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, hệ thống mạng thương mại của Trung Quốc được đánh giá là có quy mô lớn nhất.

Nhà phân tích Chris Lane thuộc công ty nghiên cứu thị trường Bernstein Research (có trụ sở tại Mỹ) cho biết việc đưa vào sử dụng mạng 5G sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế lớn về công nghệ. Quy mô và giá dịch vụ của nó sẽ có tác động then chốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Trung Quốc hiện đang là quốc gia có lượng người dùng internet di động lớn nhất thế giới với hơn 850 triệu người, theo Tân Hoa Xã.

Các nhà phân tích tại công ty đầu tư đa ngành Jefferies (có trụ sở tại New York, Mỹ) dự đoán Trung Quốc sẽ có khoảng 110 triệu người dùng mạng 5G – tương đương khoảng 7% dân số vào năm 2020. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã ra mắt mạng 5G vào tháng 4/2019 với khoảng 3% dân số dùng loại mạng tốc độ cao này.

>> TQ rầm rộ triển khai 5G, Mỹ thông qua dự luật nhằm ứng phó nguy cơ

Vai trò của Huawei

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tuy bị đưa vào danh sách đen của Mỹ và chịu nhiều tổn hại, song ở Trung Quốc, tập đoàn này vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai mạng 5G.

Tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến này đang hợp tác với cả ba nhà khai thác viễn thông Trung Quốc nói trên (CHL, CHA và CHU); trong đó một nửa giá trị hợp đồng cung cấp mạng 5G đã thuộc về CHL, nhà cung cấp internet di động lớn nhất của Trung Quốc, theo tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily). Phần còn lại thuộc về các đối thủ cạnh tranh như Ericsson, Nokia và ZTE.

Huawei đã phải hứng chịu rủi ro khi Mỹ tiến hành chiến dịch tẩy chay vì cho rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là mối đe đối với dọa an ninh quốc gia. Chính quyền Washington đã kêu gọi các quốc gia cấm những thiết bị sử dụng 5G của Huawei vì cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chúng làm công cụ gián điệp.

Bất chấp những rắc rối trên, Huawei cho biết hãng đã ký 60 hợp đồng thương mại để cung cấp mạng 5G trên khắp thế giới, qua đó đánh bại các đối thủ của Ericsson và Nokia.

>> Việt Nam “khước từ” Huawei cho việc phát triển mạng 5G vì lý do an ninh

Bán smartphone sử dụng mạng 5G

Một số nhà sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc đã bắt đầu bán thiết bị sử dụng mạng 5G tại thị trường lớn nhất thế giới.

Theo cô Nicole Peng, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Canalys (Singapore), Huawei đang là đơn vị tiên phong trong việc chiếm lĩnh thị trường điện thoại sử dụng 5G. Cô Peng cũng cho biết các hãng công nghệ như Oppo, Vivo và Xiaomi sẽ “rất khó để tạo ra bất kỳ đột phá nào” trước sự thống trị của Huawei.

Theo CNN,
Phan Anh tổng hợp