Zephyr S, máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời của hãng Airbus, được phát hiện lần gần nhất vào hôm 30/6 vừa qua, đã rời khỏi không phận Belize và đang quay trở lại nước Mỹ.

hãng Airbus
Máy bay Zephyr S của hãng Airbus. (Ảnh: Chụp màn hình trang web của Airbus)

Cụ thể, máy bay không người lái (drone) hoạt động bằng năng lượng mặt trời ở độ cao rất lớn Zephyr S của Airbus đang tham gia thử nghiệm bay dài hạn và đã ở trên không liên tục trong… 17 ngày. Mẫu drone đôi khi được gọi là “giả vệ tinh (pseudo-satellite)” này cất cánh từ bãi thử Yuma (YPG) của quân đội Mỹ ở Arizona vào ngày 15/6 vừa qua nhằm kiểm tra khả năng bay hiệu quả cao trong thời gian dài của phương tiện, giúp chứng minh khả năng phục vụ như nền tảng cảm biến trên không.

Trong 10 ngày tiếp theo sau khi cất cánh, máy bay Zephyr S, thiết kế dựa trên mẫu Zephyr 8, bay theo nhiều lộ trình khác nhau phía trên vùng thử nghiệm Yuma và khu bảo tồn Kofa National Wildlife Refuge ở liền kề. Hôm 23/6, hành trình bay của Zephyr S hướng về phía đông nam, gần như song song với biên giới giữa tiểu bang Arizona và Mexico. Dẫu vậy, mẫu drone trải qua phần lớn thời gian trên không trung quanh YPG. Chỉ 2 ngày sau, phương tiện rời khỏi khu vực Yuma, bay theo lộ trình dọc biên giới tây nam của Mỹ, hướng về phía vịnh Mexico.

Zephyr S tới vịnh Mexico hôm 27/6. Tiếp đến, phương tiện bay xa hơn về phía nam tới biển Carine và sau đó tiến vào không phận phía trên nước Belize ở Trung Mỹ. Phần mềm theo dõi bay cho thấy chiếc drone rời khỏi không phận Belize hôm 30/6 và đang quay trở lại Mỹ. Hồi năm 2010, Zephyr 7 (phiên bản trước đó của Zephyr S) lập kỷ lục khi bay liên tục hơn 14 ngày.