Tập đoàn Microsoft đang thực hiện ý tưởng xây dựng một “vũ trụ ảo” (metaverse) cho các ứng dụng văn phòng (Office), trong đó có PowerPoint, Excel.

metaverse
(Ảnh minh họa: VDB Photos/Shutterstock)

Microsoft đang điều chỉnh các sản phẩm phần mềm văn phòng đặc trưng để tạo ra một phiên bản metaverse, khái niệm được thúc đẩy bởi người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.

Sản phẩm metaverse đầu tiên của Microsoft sẽ là phiên bản chương trình hội nghị và trò chuyện Teams, hiện được thử nghiệm và sẽ có sẵn vào nửa đầu năm 2022. Khách hàng sẽ có thể chia sẻ các tệp và tính năng Office trong thế giới ảo.

“Dịch COVID-19 đã làm cho việc sử dụng công nghệ thương mại trở nên phổ biến hơn nhiều, dù cho đôi khi những thứ đó có cảm giác giống như khoa học viễn tưởng”, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết. Ông Nadella cho hay rằng bản thân mình đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để đến thăm khu COVID-19 tại một bệnh viện ở Vương quốc Anh, một nhà máy sản xuất của Toyota và thậm chí cả Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Các tính năng mới của Teams được công bố hôm 2/11 tại hội nghị Ignite của Microsoft. Công nghệ này sử dụng phần mềm Microsoft ra mắt vào đầu năm nay có tên là Mesh, cho phép trải nghiệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường trên nhiều loại kính VR.

Theo ông Nadella, việc ứng dụng kinh doanh đã bắt đầu có sẵn ngay lúc này. Công ty tư vấn Accenture đã sử dụng phần mềm của Microsoft để tạo ra một “cặp song sinh kỹ thuật số” của trụ sở chính, nhằm điều hành các định hướng cho nhân viên mới trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Phó chủ tịch Microsoft Jared Spataro cho biết Accenture đã tổ chức hơn 100 sự kiện như vậy, tiếp cận hơn 10.000 nhân viên.

Thực tế ảo và công nghệ mạng xã hội ngày càng phát triển là một bước tiến hay một con đường nguy hiểm cho nhân loại?

“Thế giới ảo” cho phép con người sống và làm việc trong thực tế ảo, nhưng đằng sau đó ẩn chứa nhiều nỗi lo. CEO Elon Musk của Tesla từng chỉ ra rằng việc lạm dụng những công nghệ như vậy có thể hủy diệt nhân loại.

“Thế giới ảo” cũng gợi nhớ đến cốt truyện kinh dị trong bộ phim “The Matrix”: loài người sống trong một thế giới được định hình bởi máy tính, mọi trải nghiệm đều được máy tính hư cấu, cơ thể ngủ vùi dưới điều khiển của cỗ máy; nhân vật chính phải đối mặt với sự lựa chọn: uống viên thuốc màu xanh lam (trong cảnh mộng nhàn hạ) hay viên thuốc màu đỏ (để nhìn rõ hiện thực)?

Trong một chương trình trực tuyến, học giả Gavinchiu người Hồng Kông cho biết, việc phát minh ra các trang mạng xã hội như Facebook thỏa mãn mong muốn được chú ý của con người, cho phép những người bình thường tận hưởng cảm giác là “người nổi tiếng”, cảm giác được mọi người chú ý đến suy nghĩ cá nhân và cuộc sống riêng tư của người dùng. Tuy vậy, người ta dần phát hiện ra rằng Facebook đang bán quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu lớn để thu lợi nhuận, thế hệ mới đã bắt đầu không thích sử dụng Facebook.

Nhưng “thế giới ảo” còn tiến xa hơn nữa, cho phép người dùng tạo dựng danh tính cá nhân mới và tương tác xã hội trong thực tế ảo đó với tính chất thời gian thực, cho phép người dùng nhập vai và hoàn toàn ở trong đó sau giờ làm việc và học hành. “Thế giới ảo” đã hoàn toàn thay đổi cách tiếp xúc xã hội của con người, thậm chí có thể có vòng kinh tế riêng trong đó, mọi người có thể kiếm tiền ảo và chi tiêu trong đó; với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nó có nhiều khả năng thỏa mãn các giác quan cho đến cả thể chất, và thậm chí kết hôn trong đó. Nhưng học giả Gavinchiu nhận định điều này thực sự rất đáng sợ, “Làm thế nào để mọi người rút lui khỏi thực tế ảo như vậy? Hậu quả sẽ như thế nào nếu loài người chỉ chìm đắm trong đó?”

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: