Mưa sao băng Perseids nổi tiếng vốn được người Trung Hoa cổ đại ghi nhận từ cách đây khoảng gần 2000 năm. Theo NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ), đây là một hiện tượng thiên văn được trông đợi và thường xảy ra từ ngày 14/7 đến 24/8 hàng năm. Trận mưa sao băng năm 2020 dự kiến sẽ đạt cực đại vào ngày 11, 12 và 13/8.

Mưa sao băng Perseids đẹp và lớn nhất năm 2020 sắp xuất hiện
Mưa sao băng Perseids. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech)

Đôi điều về mưa sao băng Perseids

Mưa sao băng được tạo nên khi Trái Đất đi ngang qua một đám bụi trôi dạt trong không gian và thường là tàn tích còn sót lại của một sao chổi tuần hoàn. Các thiên thạch nhỏ này đi vào bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy, để lại vệt sáng trên bầu trời.

Nếu các mảnh vỡ rơi xuống tới mặt đất, chúng sẽ trở thành thiên thạch. Sao chổi Swift-Tuttle, sinh ra những trận mưa sao băng Perseids, được các nhà thiên văn học người Mỹ Lewis Swift (1820-1913) và Horace Parnell Tuttle (1837-1923) phát hiện vào tháng 7/1862. Đây là sao chổi lớn nhất đi qua Trái đất với tần suất 133 năm/lần. Nó đi qua hành tinh của chúng ta lần cuối vào năm 1992.

Mua sao bang Perseids 2 1
Sao chổi Swift-Tuttle. (Ảnh: NASA)

Không giống như những hiện tượng thiên văn khác cần phải dùng đến các thiết bị đặc biệt, sao băng Perseids có thể quan sát được bằng mắt thường. NASA cho biết trong điều kiện lý tưởng người xem có thể chứng kiến 100 sao băng Perseids/giờ, cao hơn nhiều so với các trận mưa sao băng khác. Cơ quan này cũng chia sẻ rằng đây là trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm 2020.

>> Kính thiên văn Hubble nhìn thấy gì vào ngày sinh nhật của bạn?

Quan sát mưa sao băng Perseids tại Việt Nam

Theo NASA, năm nay mưa sao băng Perseids sẽ đạt tối đa vào lúc:

  • 1:00 PM UTC (8:00 giờ tối Việt Nam) ngày 12/8, quan sát tốt nhất tại Tây Bắc Mỹ và Đông Thái Bình Dương.
  • 2:00 AM UTC (9:00 giờ sáng Việt Nam) ngày 13/8, quan sát tốt nhất tại khu vực châu Âu và châu Phi

Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể ngắm mưa sao băng, tuy nhiên, yếu tố then chốt nằm ở điều kiện quan sát và thời tiết tại mỗi khu vực. Chòm Perseus (Anh Tiên), nơi có tâm điểm sao băng mọc ở phía Đông Bắc vào lúc nửa đêm và chúng ta có thể bắt đầu quan sát vào lúc này.

Tuy nhiên, thời điểm tối ưu nhất để quan sát là sau 1h sáng, khi tâm điểm sao băng đã lên đủ cao và các sao băng đã xuất hiện nhiều, không bị cản trở bởi mây hay sương gần chân trời và mặt trăng cũng đã lặn. Bạn có thể ngắm nhiều sao băng nhất trong các ngày 11, 12 và 13/8, thời điểm dự báo sao băng đạt cực đại.

Chúng ta nên tránh xa ánh đèn thành phố bởi ánh sáng của trăng và đèn đường sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng là nơi bạn có thể thấy được số lượng sao băng nhiều hơn rất nhiều lần so với thành phố.

Ngoài ra, về điều kiện thời tiết, trời lúc đó phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể chứng kiến được sao băng. Nếu trời nhiều mây thì không thể quan sát được.

Bên cạnh đó, ở một trận mưa sao băng lớn như Perseids thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau từ 1 đến vài phút, vậy nên, đôi khi bầu trời sẽ “thinh lặng” một lúc lâu nhưng có thời điểm sẽ xuất hiện liên tục 2-3 cái. Do đó, chúng ta nên kiên trì chờ đợi để không bỏ lỡ một khoảnh khắc nào cả!

>> Video 4K: Sao chổi Neowise bay lên khỏi Trái Đất, nhìn từ trạm không gian

Thêm vào đó, bạn không nên chỉ nhìn tập trung vào một chỗ mà hãy nhìn bao quát cả vùng trời rộng phía Bắc. Bạn cũng không cần phải biết vị trí của chòm sao Perseus mới quan sát được sao băng. Tâm điểm của mưa sao băng ở chòm Perseus không có nghĩa là sao băng chỉ bay từ đó ra, nó có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm.

Một chú ý không kém phần quan trọng nữa đó là từ 3h trở đi vị trí chòm Perseus cùng vùng trời sao băng sẽ lên khá cao ở phía Đông Bắc, do vậy, việc đứng hay ngồi quan sát sẽ làm cho bạn cảm thấy mỏi cổ. Hãy tìm một chỗ để nằm như ghế, võng… sẽ giúp bạn thoải mái và quan sát được một vùng trời rộng hơn.

Phan Anh (tổng hợp)