Ứng dụng TikTok phiên bản nước ngoài nhượng lại cho Microsoft, sẽ có gì cải thiện? Theo cố vấn thương mại Nhà Trắng, ông Navarro thì làm như vậy là không phù hợp.

Nhom hacker Anoymous keu goi xoa TikTok 1
Nhóm hacker Anonymous kêu gọi xóa TikTok. (Ảnh: Internet)

Ứng dụng TikTok phiên bản Mỹ hiện đang có 100 triệu người dùng và đang gặp phải những rắc rối lớn. Ngày 20/7, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm nhân viên Chính phủ Liên bang và Quốc hội sử dụng các ứng dụng Trung Quốc trên thiết bị của Chính phủ. Hiện Thượng viện Hoa Kỳ cũng đang xem xét dự luật cấm ứng dụng TikTok.

Ngày 31/7, Tổng thống Donald Trump cho biết, “Chúng tôi sẽ cấm TikTok ở Hoa Kỳ và tôi có quyền làm như vậy.” Trước tuyên bố cứng rắn của Trump, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang sốt vó tìm cách sang nhượng lại ứng dụng này.

Ngày 2/8/2020, khách hàng mua lại TikTok đã xuất hiện. Microsoft thông báo đang dàn xếp mua lại TikTok phiên bản nước ngoài bao gồm cả Canada, Úc và New Zealand. Ông Trump cũng đồng ý không chặn TikTok trong thời điểm hiện tại và ra thời hạn 45 ngày để Microsoft đàm phán thương vụ. 

Vậy lý do Microsoft muốn mua lại TikTok là gì? Như mọi người đã biết, Microsoft “phất lên” nhờ vào các phần mềm ứng dụng như Windows, Office…, tuy nhiên, tập đoàn này luôn thiếu một nền tảng truyền thông xã hội mạnh mẽ. Do vậy, Microsoft nhắm vào TikTok, hy vọng có thể chuyển đổi cơ cấu kinh doanh và cạnh tranh với Facebook. 

Nhưng có một vấn đề là, mặc dù TikTok tuyên bố có 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ và ước tính doanh thu năm nay là 1 tỷ USD, nhưng trên thực tế  vẫn chưa có lợi nhuận, tức là vẫn đang trong tình trạng thua lỗ. Nếu phiên bản TikTok nước ngoài được bán cho Microsoft, thì cũng giống như tìm được một “ông bố nuôi giàu có” vậy. 

Ngày 3/8, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Hoa Kỳ, cố vấn thương mại Nhà Trắng, ông Navarro cho biết, ông tin rằng để cho Microsoft mua lại TikTok là sai lầm. Navarro đã đưa ra một số lý do chính như sau:

Thứ nhất, Microsoft cùng với Yahoo, Google, Cisco là bốn công ty công nghệ lớn đã từng giúp ĐCSTQ xây nên vạn lý tường lửa kiểm duyệt internet (Great FireWall). 

Thứ hai, cả quân đội và Chính phủ ĐCSTQ đều sử dụng phần mềm của Microsoft.

Thứ ba, công cụ tìm kiếm “Bing” của Microsoft là một trong số ít công cụ tìm kiếm của Mỹ có thể tồn tại ở thị trường Trung Quốc.

Thứ tư, phần mềm giao tiếp Skype của Microsoft chịu sự giám sát của ĐCSTQ.

Nói tóm lại, Microsoft thông qua việc bán phần mềm đã kiếm được món lời khủng từ Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đang giúp ĐCSTQ giám sát người dân thông qua Bing, Skype và phong tỏa thông tin nhờ vào tường lửa. Do đó, ông Navarro tin rằng mối quan hệ giữa Microsoft và ĐCSTQ là mập mờ rất đáng ngờ. Ngay cả nếu Microsoft mua lại TikTok, cũng không chắc có thể cưỡng lại yêu cầu của ĐCSTQ đối với dữ liệu người dùng trong tương lai.

Do đó, ông Navarro đề xuất, nếu thực sự muốn mua lại TikTok, Microsoft cần phải “thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ở Trung Quốc” để giảm thiểu các vướng mắc lợi ích với ĐCSTQ. 

Peter Navarro
Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro trong cuộc phỏng vấn với Fox News (Ảnh chụp màn hình video)

Vậy là, TikTok chưa biết sống chết thế nào ở Hoa Kỳ, còn phải phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán về cả thương mại và chính trị đang được tiến hành. Tuy nhiên, tại sao Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ lại một mực muốn phong tỏa TikTok? 

Lý do chủ yếu là TikTok hiện có 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, nó đã thu thập một lượng lớn thông tin người dùng ở nước này. Tuy nhiên, công ty mẹ TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, và có khả năng họ sẽ không thể từ chối yêu cầu của ĐCSTQ về việc cung cấp thông tin người dùng, bao gồm các nhân viên chính phủ, quan chức hoặc nhân viên quân sự, do đó sẽ đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Ngoài ra, phần mềm TikTok được cài đặt trên điện thoại di động không chỉ có thể nắm được thông tin các nhân của người dùng như dữ liệu cá nhân, vị trí… mà còn có thể được sử dụng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ví dụ, trong buổi dạ tiệc tạo đà tranh cử của ông Trump được tổ chức hồi tháng Sáu tại bang Oklahoma, mặc dù vé mời đã được đăng ký hết, nhưng khi bữa tiệc bắt đầu, 1/3 số ghế đã bị trống. Sau đó phát hiện một video TikTok khuyến khích người dân lấy vé trước nhưng không đến tham dự.

Vì công ty mẹ của TikTok ở Bắc Kinh, “trò chơi khăm chính trị” này không thể không bị đặt câu hỏi, liệu nó có liên quan đến sự can thiệp của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ? Và liệu TikTok có thể trở thành công cụ chính trị để ĐCSTQ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ?

Do đó, bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dân, cũng như ngăn chặn ĐCSTQ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, là những lý do cốt lõi cho sự phong tỏa mạnh mẽ  TikTok tại Mỹ. 

Không chỉ Hoa Kỳ, mà Chính phủ Úc cũng đã đưa ra cảnh báo về TikTok. Úc sẽ điều tra liệu phiên bản TikTok ở nước ngoài có gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia hay không.

Mặc dù số phận của TikTok chưa được định đoạt, nhưng ít ra chuyện này đã mang lại hiệu quả răn đe cho các công ty phần mềm nước ngoài khác có gốc gác từ Trung Quốc.

Phần mềm hội nghị trực tuyến Zoom, do người gốc Hoa, ông Viên Chinh (Yuan Zheng) thành lập cũng tuyên bố, từ ngày 23/8, họ sẽ ngừng bán phần mềm trực tiếp cho người dùng Trung Quốc, thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ thông qua các đối tác địa phương.

Zoom đã từng đáp ứng yêu cầu của ĐCSTQ đóng tài khoản của người Hoa hải ngoại đã tổ chức kỷ niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn vào ngày 4/6, khiến các giới nghi ngờ Zoom hợp tác với ĐCSTQ trong việc kiểm duyệt hoặc cung cấp dữ liệu người dùng.

Bây giờ, trước thông tin TikTok bị Mỹ vây quét, Zoom đã vội vã cắt đứt mối quan hệ với ĐCSTQ. Nhưng liệu đây có phải là một mánh khóe, và Zoom có thực sự không bị ĐCSTQ kiểm soát? Vẫn còn rất nhiều thứ phải xem xét.

Lý Hạo / trích từ ‘Ngã Tư Thế Giới’ / Epoch Times

Xem thêm: