Nga đã công bố những thước phim về vụ thử “bom Sa Hoàng” – quả bom lớn nhất từng được kích nổ. Nó mạnh tới mức người ta có thể cảm nhận thấy sức nóng cách đó hàng trăm dặm. 

bom sa hoang
(Ảnh: YouTube/Росатом)

Cụ thể, vào năm 1961, Liên bang Xô Viết đã thử nghiệm quả bom nhiệt hạch lớn nhất mọi thời đại có tên “bom Sa Hoàng”. Cơ quan nguyên tử quốc gia của Nga vừa giải mật một phóng sự ghi lại các hình ảnh về vụ thử nghiệm này.

Quả bom mạnh tới mức người ta có thể thấy ánh chớp sáng cách nơi phát nổ hơn 1000 km.

Liên Xô chỉ đem quả bom ra thử nghiệm một lần để cho thế giới thấy sức mạnh quân sự và công nghệ của họ, trước khi một công ước quốc tế ra đời nghiêm cấm thử nghiệm hạt nhân. Mặc dù hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại cho tới ngày nay, không có cái nào có thể so sánh với sức mạnh khủng khiếp của quả bom Sa Hoàng.

Vào tháng 7/1961, Tổng bí thư Xô Viết Nikita Khrushchev đã ra lệnh phát triển một vũ khí hạt nhân có sức công phá 100 megaton. Các kỹ sư chỉ có vài tuần để chế tạo, và nó có tên chính thức là RDS-220, nhưng rốt cuộc người ta chỉ chế tạo quả bom có đương lượng nổ 50 megaton. Nhưng con số này cũng dễ dàng làm cho nó trở thành quả bom nhiệt hạch mạnh nhất từng được thử nghiệm. Để so sánh, quả bom Castle Bravo của Mỹ kích nổ ở Thái Bình Dương năm 1954 chỉ có 15 megaton.

Liên Xô đã đem quả bom thử nghiệm tại đảo Novaya Zemlya, phía bắc của Vòng cực bắc, vào tháng 10/1961. Quả bom dài gần 8m, nặng 27 tấn và được đưa đến bằng máy bay ném bom “gấu” Tu-95. Riêng chiếc dù để thả quả bom cũng nặng tới 1 tấn.

bom sa hoang Lien Xo
(Ảnh: YouTube/Росатом)

Khi quả bom phát nổ trong khí quyển, sóng xung kích của nó lao đi trên không và bắt kịp với chiếc máy bay ném bom ở khoảng cách 120km, làm cho chiếc Tu-95 mất lái và rơi tự do. May mắn thay, phi công đã lấy lại được kiểm soát và hạ cánh an toàn.

>> Chuyện nhà khoa học Mỹ để quên tài liệu bom nhiệt hạch trên xe lửa

Dưới đây là vài con số cho thấy sức mạnh của “bom Sa Hoàng”.

  • Đám mây nấm đạt tới độ cao 64km, người ta có thể nhìn thấy tia chớp trong thời tiết xấu cách đó 1000km.
  • Một người quan sát cho biết họ cảm thấy sức nóng của quả bom từ khoảng cách 270km, và quả bom có thể gây bỏng độ 3 ở khoảng cách 100km.
  • Một người quan sát mô tả vùng Ground Zero (mặt đất ở trung tâm vụ nổ) là “bị san bằng, quét sạch và mịn tới mức trông giống một khu trượt băng.”
so sanh bom nguyen tu
So sánh Bom Sa Hoàng với các quả bom nguyên tử khác (Ảnh: Popular Mechanics)

May mắn thay, không có ai bị thiệt mạng trong vụ nổ, bởi nó xảy ra ở một trong những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Nga. Nếu nó phát nổ trong một thành phố, hàng triệu người có thể bị thiệt mạng và mức độ phóng xạ nguy hiểm có thể lan xa tới 350km.

Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân năm 1963 Mỹ và Liên Xô đã giới hạn các vụ nổ hạt nhân trong khí quyển, dưới nước và bên ngoài không gian vũ trụ; nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến các vụ thử nghiệm megaton mạnh như “bom Sa Hoàng” nữa.

Ngoài ra, vũ khí hạt nhân cũng dần giảm sức công phá trong 60 năm qua, nhờ các hệ thống phóng tên lửa trên đất và trên biển ngày càng chính xác hơn.

Dưới đây là bộ phim tài liệu đầy đủ:

Theo Popular Mechanics,
Sơn Vũ