Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu cùng một số viện hàn lâm ở Trung Quốc và Mỹ đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy có tới 30,8 triệu người ở Trung Quốc bị tử vong sớm từ năm 2000-2016 do ô nhiễm không khí. Đây quả thật là con số đáng báo động!

ô nhiễm không khí
(Ảnh minh họa: Kevin Frayer/Getty Images)

Cụ thể, trong một bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm các nhà khoa học đã mô tả nghiên cứu của mình về mức độ ô nhiễm không khí tại Trung Quốc và tỷ lệ tử vong sớm ở những người bị bệnh phổi.

Trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trong thế kỷ qua nhằm tìm hiểu về hậu quả khi con người hít thở các loại không khí ô nhiễm khác nhau. Và tác động hầu hết là tiêu cực. Con người sẽ nhiễm bệnh phổi và chết trẻ hơn so với những bệnh khác.

Các nhà khoa học đã tìm hiểu rõ hơn về thiệt hại thực tế mà những người sống ở Trung Quốc (nơi vốn nổi tiếng với mức độ ô nhiễm cao) đang phải gánh chịu. Họ đã nghiên cứu các hình ảnh chụp vệ tinh từ NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) để đo mức độ ô nhiễm ở các vùng khác nhau của Trung Quốc từ năm 2000-2016. Cụ thể, họ tập trung vào việc đo nồng độ bụi mịn PM2.5, các hạt trong không khí có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu từ các trạm giám sát phát thải ô nhiễm ở Trung Quốc và các bản đồ cho thấy vị trí của các con đường và nhà máy bị ô nhiễm nặng. Để đưa ra ước tính tử vong sớm tại Trung Quốc, họ đã dùng dữ liệu từ các nghiên cứu công bố trước đây về tỷ lệ tử vong sớm do mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm khác nhau.

>> Vành đai và Con đường của TQ: Kẻ hủy diệt môi trường?

Nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh nồng độ PM2.5 trung bình của người dân trên toàn Trung quốc để tính toán những trường hợp tử vong có thể xảy ra do ô nhiễm không khí. Kết quả cho thấy quốc gia này có 1,5 – 2,2 triệu người tử vong sớm mỗi năm do phơi nhiễm với nồng độ cao PM2.5 trong không khí từ năm 2000-2016. Tức là, có khoảng 30,8 triệu người tử vong sớm trong thời gian nói trên. Họ cũng lưu ý rằng việc tiếp xúc với PM2.5 ở nồng độ cao có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người tiếp xúc với nó.

Bụi mịn PM2.5 được mệnh danh là “sát thủ âm thầm” và hậu quả mà nó để lại là không hề nhỏ. Cụ thể, loại bụi mịn này gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi… làm cho môi trường trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.  Ngoài ra, nó còn dẫn đến những bệnh về hô hấp như phổi, khiến mắt, mũi, họng bị kích ứng. Bên cạnh đó, bụi mịn PM2.5 cũng tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu để đi vào hệ tuần hoàn, khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên bị vỡ, từ đó tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim. Thêm nữa, việc tiếp xúc lâu dài với loại chất độc hại này còn có thể gây ra tình trạng suy giảm nhận thức và trí nhớ trầm trọng, tăng nguy cơ đột quỵ.

>> Cá mập bị mất hết răng và da, có thể vì sống trong vùng nước ô nhiễm

Phan Anh (tổng hợp)