Các sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng trong 40 năm qua, tảng băng khổng lồ ở tại nơi này đã thu hẹp nhanh hơn 10 lần so với 7 thế kỷ trước và có nguy cơ gây nguy hiểm cho một lượng lớn cư dân thuộc châu Á.

Himalaya
(Ảnh minh họa: Kittima05/Shutterstock)

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng các sông băng ở Himalaya đang thu hẹp nhanh hơn nhiều so với các sông băng tại những khu vực khác trên thế giới.

Theo một tuyên bố từ trường đại học này, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng so với lượng băng mất trung bình kể từ Thời Tiểu Băng hà (Little Ice Age) khoảng 400 – 700 năm trước, tốc độ tan chảy của các sông băng ở Himalaya đã tăng gấp 10 lần trong những thập kỷ gần đây.

Himalayas có sông băng lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Nam Cực và Bắc Cực. Đôi khi nó được gọi là sông băng “cực thứ 3”.

Đại học Leeds tuyên bố rằng nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports hôm 20/12 vừa qua. Nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và mô hình độ cao kỹ thuật số để tái tạo 14.798 sông băng ở Himalaya tồn tại trong thời kỳ tiểu băng hà.

Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh sông băng được tái tạo với trạng thái hiện tại của nó, để xác định thể tích và khối lượng của sông băng đã bị mất theo thời gian.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng diện tích sông băng đã giảm từ 28.000 km² xuống còn khoảng 19.600 km² hiện nay, tức là giảm khoảng 40%.

Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy lượng băng giảm từ 390 km3 xuống còn 586 km3, tương đương với tổng lượng băng của Bán đảo Scandinavia trên các dãy núi Alps của Trung Âu, Caucasus và Scandinavia.

Theo một tuyên bố từ Đại học Leeds, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng nước được giải phóng do tan chảy sẽ làm mực nước biển toàn cầu tăng lên từ 0,92 mm đến 1,38 mm.

Tiến sĩ Jonathan Carrivick, nhà băng học tại Đại học Leeds, kiêm đồng tác giả của bài báo nghiên cứu, cho biết: “Phần này của thế giới có thể đang thay đổi nhanh hơn sự nhận biết của bất kỳ ai. Các sông băng trên dãy Himalaya không chỉ thay đổi rất nhanh, mà còn thay đổi ngày càng nhanh”.

Các nhà khoa học từ lâu đã quan sát tình trạng thất thoát băng từ các sông băng lớn tại New Zealand, đảo Greenland, Patagonia (khu vực địa lý bao gồm phần cực nam của Nam Mỹ) và các khu vực khác trên thế giới.

Nhưng nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng sự thất thoát băng của dãy Himalaya là rất nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu không chỉ ra nguyên nhân, nhưng cho biết rằng các yếu tố khí hậu khu vực như sự thay đổi của gió mùa Nam Á có thể đóng một vai trò tác động nào đó.

Sự tan chảy ồ ạt của các sông băng ở Himalaya đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng trăm triệu người sống phụ thuộc vào các hệ thống sông châu Á để kiếm thức ăn và nguồn năng lượng, trong đó bao gồm các con sông xung quanh lưu vực sông Brahmaputra, sông Hằng và sông Ấn.

Theo các nhà nghiên cứu, các tác động khác của hiện tượng tuyết lở, lũ lụt và thất thoát băng nhanh đang gây nguy hiểm cho cư dân sinh sống ở Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Đồng thời chúng có thể phá hủy nền sản xuất nông nghiệp của hàng trăm triệu người dân ở Nam Á.

Khi nước từ các sông băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao, sự thất thoát băng trên dãy Himalaya cũng làm trầm trọng thêm mối đe dọa về lũ lụt và các vấn đề liên quan mà các cộng đồng ven biển trên thế giới hiện đang phải đối mặt.

Theo The Epoch Times,

Hạ Vũ

Xem thêm: