Theo một nghiên cứu mới, hiệu quả của 3 loại vắc-xin COVID-19 có sẵn tại Mỹ đã sụt giảm hiệu quả trong những tháng gần đây, trong đó khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm bệnh giảm xuống dưới 50% đối với 2 loại sau 6 tháng.

vắc-xin COVID-19
(Ảnh minh họa: Viacheslav Lopatin/Shutterstock)

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng vắc-xin COVID-19 của Moderna đã sụt giảm hiệu quả từ 89,2% vào tháng 3 xuống còn 58% vào tháng 9. Trong cùng khoảng thời gian, vắc-xin COVID-19 của Pfizer giảm hiệu quả từ 86,9% xuống còn 43,3%; và vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson giảm hiệu quả từ 86,4% xuống còn 13,1%.

Tiến sĩ Stephen Hahn, người đứng đầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ trong thời kỳ cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết vào năm 2020 rằng cơ quan này sẽ không cấp phép cho các loại vắc-xin COVID-19 không đạt ít nhất 50% hiệu quả chống lại nguy cơ mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ tử vong của vắc-xin giảm dần sau 6 tháng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, thay vì so sánh hiệu quả trong tháng 3 và tháng 9, họ đã sử dụng dữ liệu để xác định hiệu quả từ tháng 7 đến tháng 10. Với những đối tượng từ 65 tuổi trở lên, hiệu quả chống lại nguy cơ tử vong là 75,5% khi tiêm vắc-xin Moderna; 70,1% khi tiêm vắc-xin Pfizer và 52,2% hiệu quả khi tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson.

Đối với những người trẻ tuổi, hiệu quả đạt tỷ lệ cao hơn: 84,3% đối với vắc-xin Pfizer; 81,5% đối với vắc-xin Moderna và 73% đối với vắc-xin Johnson & Johnson.

Trong khi dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả cao của vắc-xin trong việc chống lại cả nguy cơ mắc bệnh và tử vong, “kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng vắc-xin kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh liên quan đến biến thể Delta”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Mời xem thêm:

Các nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả của vắc-xin COVID-19 đã giảm dần theo thời gian, dẫn đến các khuyến cáo cần tiêm mũi vắc-xin bổ sung từ các cơ quan y tế Mỹ. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra cả 3 loại vắc-xin có sẵn tại nước này. Nó cũng chỉ ra hiệu quả chống nguy cơ tử vong thấp hơn nhiều nghiên cứu khác.

Các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson cũng như Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đã không trả lời các yêu cầu bình luận và dường như chưa có phản ứng công khai với nghiên cứu này.

Phát hiện này được đưa ra sau khi 2 nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả của vắc-xin chống lại nguy cơ mắc COVID-19 giảm theo thời gian sau khi tiêm liều đầu tiên.

Sử dụng dữ liệu từ các cơ quan đăng ký trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu Thụy Điển phát hiện ra rằng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer đã sụt giảm hiệu quả từ 92% vào khoảng ngày 15 đến ngày 30 sau khi tiêm chủng, xuống còn 47% vào ngày 121 đến ngày 180 sau khi tiêm. Họ cho biết: “Từ ngày 211 trở đi, [chúng tôi] không phát hiện thấy bất cứ hiệu quả nào”. Vắc-xin COVID-19 của hãng Moderna cũng sụt giảm hiệu quả, nhưng vẫn duy trì được một số khả năng bảo vệ từ ngày 181 trở đi.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Israel trích xuất dữ liệu từ cơ sở dữ liệu toàn quốc, phát hiện ra rằng vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer kém hiệu quả hơn trong việc chống lại cả nguy cơ mắc COVID-19 và bệnh nặng theo thời gian sau khi tiêm chủng đầy đủ.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: