Nghiên cứu mới cho thấy cư dân của Pompeii, một thị trấn của Ý, đã chết ngạt bởi tro bụi núi lửa dày đặc chỉ trong 17 phút, chứ không phải bị nham thạch “chôn sống” hoặc bị khí nóng thiêu đốt như suy đoán trước đây.

Pompeii
Thành cổ Pompeii dưới chân núi Vesuvius. (Ảnh: Darryl Brooks/ShutterStock)

Năm 79 sau Công nguyên, vụ phun trào của núi lửa Vesuvius ở Ý đã giết chết khoảng 2.000 người La Mã cổ đại. Từ cuộc khai quật sau này của di chỉ Pompeii, nhiều người đã chết trong khi vẫn giữ nguyên tư thế hàng ngày của họ. Điều này khiến thảm họa này dường như trở nên rất bí ẩn, chứng tỏ rằng tất cả những người này đã gặp nạn trong tình trạng bất ngờ và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Thành phố Herculaneum nằm dưới chân núi lửa chắc chắn sẽ không thoát khỏi thảm họa này. Nhưng Pompeii vẫn còn cách núi lửa Vesuvius 10 km, vậy điều gì đã khiến cư dân thiệt mạng chỉ trong thời gian ngắn?

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu tình hình trong nhiều năm. Bởi nhiều cư dân chết trong tư thế sinh hoạt hàng ngày của họ, các nghiên cứu trước đây đã kết luận rằng họ không có khả năng chết vì ngạt thở. Lý thuyết giả định nghiêng về xu hướng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao, chẳng hạn như việc chết do nhiệt độ cao tức thời, đến mức họ không kịp cả bị ngạt thở, tới những cảnh thống khổ hơn như bị nướng từ từ cho đến chết.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports vào ngày 2/3 đưa ra một lời giải thích hợp lý hơn: Những cư dân này đã bị chết ngạt bởi tro núi lửa dày đặc đột ngột ập đến chỉ trong vòng vài phút.

Pompeii
Người “hóa đá” ở Pompeii. (Ảnh: AWP76/Shutterstock)

Nghiên cứu phân tích rằng sau khi núi Vesuvius phun trào, một làn khói dày đặc có nhiệt độ hơn 100 độ C, gồm carbon dioxide, clorua, các hạt tro nóng vẫn cháy và thủy tinh núi lửa, đã bao phủ Pompeii từ 10 đến 20 phút.

Tro núi lửa hạt mịn này có thể trôi đi rất xa, chúng bay lơ lửng trong không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng ở nồng độ cao chúng có thể gây tử vong trong tích tắc.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng núi lửa phun trào khiến nhiệt độ lên cao tới 300 độ C và đoạt mệnh của con người chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy vẫn còn một số mảnh quần áo bằng lụa hoặc len tại khu vực này. Điểm bắt lửa của những loại vải này là khoảng 130-150 độ C. Điều này cho thấy nhiệt độ tại khu vực này có lẽ thấp hơn điểm bắt lửa của những loại vải trên.

Nghiên cứu này đề cập rằng cơ thể con người vẫn có thể tồn tại từ 2 đến 5 phút trong không khí nhiệt độ cao từ 200-250 độ C, nhưng lại tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn hơn khi hít phải tro núi lửa nồng độ cao.

Mô hình được xây dựng dùng cho nghiên cứu cho thấy, khói nặng từ vụ phun trào đến rất nhanh và Pompeii được bao phủ bởi một nồng độ có thể gây chết người trong khoảng thời gian ngắn ngủi chừng 17 phút.

“Khi con người bị bao phủ bởi lớp khói dày đặc, dù nhiệt độ không quá cao, họ cũng chỉ có thể sống sót trong khoảng 2 phút. Ngược lại, thời gian này (Pompeii bị bao phủ bởi khói từ núi lửa) cũng đủ gây chết người”, nghiên cứu viết.

Ông Roberto Isaia, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Vật lý Địa cầu và Núi lửa Quốc gia (INGV) ở Ý, cho biết: “10 phút dưới làn khói dày đặc hẳn là một khoảng thời gian khá dài. Những cư dân đó vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra. Họ từng trải qua một trận động đất nhưng chưa bao giờ trải qua trận núi lửa phun trào. Họ rất bất ngờ trước làn khói núi lửa đột ngột này.”

Ngày 19/3, một ngọn núi lửa không hoạt động 6.000 năm đã phun trào ở tây nam Iceland. Việc hiểu được tốc độ và mật độ của khói dày đặc lan rộng sau một vụ phun trào núi lửa có ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành các chiến lược sơ tán cho những cư dân gần núi lửa.

Theo Khang Di Nhi, Epoch Times

Xem thêm: