Mới đây, các nhà nghiên cứu tại CSIRO (Cơ quan khoa học quốc gia Úc) đã phát hiện ra rằng virus corona có thể tồn tại trên các bề mặt thông thường như tiền giấy, thủy tinh (chẳng hạn như trên màn hình điện thoại di động) và thép không gỉ lên tới 28 ngày, lâu hơn cả virus cúm.

Virus corona
(Ảnh minh họa: Shawn Hempel/Shuterstock)

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện hôm 12/10 vừa qua tại Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh (ACDP) của Úc ở Geelong, trong đó phát hiện ra rằng virus corona có xu hướng tồn tại lâu hơn ở nhiệt độ thấp, trên các bề mặt không xốp hoặc nhẵn như thủy tinh, thép không gỉ và trên tiền giấy polymer.

Theo Tiến sĩ Larry Marshall, Giám đốc điều hành CSIRO, việc xác định thời gian virus thực sự tồn tại trên các bề mặt cho phép chúng ta dự đoán chính xác hơn, giảm thiểu sự lây lan của nó, từ đó thực hiện tốt việc bảo vệ sự an toàn cho người dân. Kết quả cho thấy virus corona có thể lây nhiễm trên các bề mặt trong thời gian dài, qua đó chỉ ra sự cần thiết của việc rửa tay thường xuyên và làm sạch các bề mặt.

Ở 20 độ C, tương đương với nhiệt độ phòng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng virus phát triển cực kỳ mạnh mẽ, tồn tại trong 28 ngày trên các bề mặt nhẵn như kính trên màn hình điện thoại di động và tiền polymer.

Thí nghiệm tương tự đối với bệnh Cúm A cũng đã phát hiện ra rằng virus cúm A sống sót trên bề mặt trong 17 ngày ở nhiệt độ phòng, điều này cho thấy virus corona có khả năng phục hồi mạnh mẽ như thế nào.

Virus corona
Virus corona có thể tồn tại đến 28 ngày trên tiền mặt. (Ảnh: Maoyunping/Shutterstock)

Các thí nghiệm được thực hiện trong môi trường được kiểm soát ở nhiệt độ 20, 30 và 40 độ C cho thấy thời gian sống sót của virus corona sẽ giảm đi khi nhiệt độ tăng lên. Ở 40 độ C, virus chỉ tồn tại trong chưa đầy 24 giờ. Ở 30 độ C, virus corona thể hiện những kết quả khác nhau. Nó tồn tại được 7 ngày trên thép không gỉ, tiền mặt và kính, nhưng chỉ sống được 3 ngày trên bề mặt quần áo cotton. Trên tiền giấy, trong một số điều kiện, vẫn có thể tìm thấy virus corona sau 21 ngày. Điều đó cho thấy virus corona có thể bám trụ lâu hơn trong điều kiện thời tiết mát mẻ, qua đó báo hiệu tình trạng dịch bệnh sẽ diễn biến căng thẳng hơn vào thời gian tới khi mùa đông đến. Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, lượng protein và chất béo trong dịch cơ thể cũng có thể làm tăng mạnh thời gian tồn tại của virus corona.

Mặc dù vai trò chính xác của việc lây truyền trên bề mặt, mức độ tiếp xúc bề mặt và số lượng virus cần thiết để lây nhiễm vẫn chưa được xác định nhưng việc tìm ra thời gian virus này tồn tại trên các bề mặt là rất quan trọng để phát triển những chiến lược giảm thiểu rủi ro ở các khu vực tiếp xúc nhiều.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: