Liên minh tình báo “Ngũ Nhãn” (Five Eyes) gồm các nước Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand đang yêu cầu các ứng dụng tin nhắn mã hóa cung cấp “cửa hậu” (backdoor) để họ truy cập vào các nội dung của người dùng.

Ngũ Nhãn
Liên minh “Ngũ Nhãn”. (Ảnh minh họa: RS Kingdom)

Hôm 11/10 vừa qua, lãnh đạo các cơ quan tư pháp của Úc, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ đã cùng nhau ra một thông cáo tuyên bố các ứng dụng tin nhắn mã hóa đầu cuối phổ biến nhất hiện nay như Signal, Telegram, Facebook Messenger và Whatsapp đang “gây ra những thách thức đáng kể với an ninh công cộng.” Thông cáo được đưa ra nhằm mục đích giúp cho các cơ quan hành pháp giám sát các hành vi tội phạm trên mạng.

Thông cáo viết:

Các chính phủ và các tổ chức quốc tế ngày càng đồng thuận rằng cần phải đưa ra hành động. Mặc dù mã hóa là cần thiết và quyền riêng tư cùng an ninh mạng phải được bảo vệ, tuy nhiên, điều đó không nên đi cùng việc loại bỏ toàn bộ lực lượng hành pháp và cả bản thân ngành công nghệ khỏi năng lực hành động chống lại các nội dung và hoạt động bất hợp pháp nguy hiểm nhất trên mạng.”

Trên cơ sở này, Ngũ Nhãn đã yêu cầu các công ty công nghệ “đưa sự an toàn của cộng đồng vào trong thiết kế của hệ thống,” đồng thời cung cấp cho lực lượng hành pháp các nước quyền truy cập các tin nhắn ở “định dạng đọc được và dùng được”.

Đây là yêu cầu mạnh mẽ nhất của nhà chức trách từ trước tới nay nhằm yêu cầu các nhà lập trình ứng dụng tạo “cửa hậu” cho chính quyền truy cập vào các tin nhắn.

Nhận định này là có cơ sở, vì không chỉ Ngũ Nhãn, mà Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước đang hợp tác tình báo với Ngũ Nhãn, cũng đưa tên nước họ vào thông cáo kể trên.

Đây là bước tiến mới nhất trong cuộc đấu giữa 2 phe, một phe là cơ quan hành pháp các nước, và phe kia là các nhóm ủng hộ quyền riêng tư của người dùng.

Với việc người dùng sử dụng các ứng dụng tin nhẵn mã hóa đầu cuối cho gần như tất cả các hoạt động, từ kinh doanh tới chính trị, phe bảo vệ quyền riêng tư nói rằng việc cấp cho các lực lượng hành pháp quyền truy cập vào tin nhắn sẽ gây nguy hiểm cho các nhà hoạt động dân chủ và tiếp tay cho các chính quyền độc tài toàn trị. Một ví dụ điển hình là việc nhà chức trách Hồng Kông yêu cầu Telegram cung cấp tin nhắn và thông tin người dùng tại thành phố này để đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ bắt đầu từ tháng 6/2019 kéo dài sang năm 2020.

Phe nhà chức trách thì lập luận rằng với sự lan tràn của các nội dung bạo lực cực đoan, khiêu dâm trẻ em trên Internet hiện này, cần thiết phải có những quy định chặt chẽ hơn với các ứng dụng. Theo Quỹ Biên giới Điện tử (EFF), một tổ chức ủng hộ quyền riêng tư rên Internet, các nước châu Âu đang tiến gần hơn tới việc giới thiệu các luật chống mã hóa “trong năm 2021”. Áp lực tương tự ở Mỹ cũng đang gia tăng.

Thông cáo của Ngũ Nhãn nói rằng họ sẽ đề xuất các cơ chế bảo vệ và giám sát để các nhà chức trách không thể lợi dụng quyền truy cập này mà không có lý do chính đáng. Đây có lẽ là một kiến nghị hợp lý để 2 bên có thể thỏa hiệp và tiến tới ban hành những quy định chi tiết hơn cho các ứng dụng tin nhắn, nhằm bảo đảm quyền lợi người dùng và giúp giảm thiểu các hành vi tội phạm.

Theo SCMP,

Hạ Chi

Xem thêm: