Khi gặp Akihiko Kondo, người ta khó có thể nghĩ anh có máu nổi loạn trong người. Nhưng năm ngoái, anh chàng bốn mắt đang làm công tác quản lý trường học này đã thách thức quan niệm truyền thống về tình yêu và hôn nhân: Anh ấy đã tuyên bố kết hôn với một ảnh 3D hologram – một cô gái ảo.

Embed from Getty Images

Đám cưới hồi tháng 11 vừa rồi giữa Kondo và nữ ca sĩ ảo nổi tiếng Hatsune Miku – mặc dù chưa chính thức được công nhận – nhưng đã làm dấy lên những phản ứng khác nhau ở Nhật Bản và hải ngoại. Một số (bao gồm mẹ anh) chết lặng trước sự tác hợp của một hình ảnh 3D ảo với một con người. Số còn lại chúc mừng anh ấy.

Nhưng người đàn ông 35 tuổi – đang sống một cuộc đời biệt lập trong căn nhà nhỏ ở ngoại thành Tokyo, cùng các con búp bê Miku bằng vải và các vật dụng lặt vặt khác – không quan tâm tới những gì người khác nghĩ. Anh đơn giản chỉ muốn làm điều mình thích.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những sự kiện như thế này là chỉ dấu cho những xu thế công nghệ và hiện tượng xã hội rộng lớn hơn.

Tương tác ảo đang ngày càng thay thế giao tiếp giữa người với người trên quy mô toàn thế giới. Và khi các công ty như Google, Amazon hay Tencent đầu tư hàng tỷ đô la vào trí tuệ nhân tạo, thì con người ta bắt đầu đối xử với các thiết bị thông minh cũng giống như cách họ làm với con người.

Một số nói “làm ơn” và “cảm ơn” với các trợ lý ảo Siri của Apple hay Alexa của Amazon, và đổi xử với robot hút bụi như thú cưng. Ở Nhật Bản, nơi robot từ lâu đã được xem là người bạn đồng hành thân thiết (như chú mèo máy Doraemon), chứ không phải là một Kẻ Hủy Diệt (theo bộ phim cùng tên), thì sự dịch chuyển thái độ này còn diễn ra táo bạo hơn.

Robot bây giờ không còn chỉ là một phần cứng đơn thuần

Kondo bắt đầu cảm mến ngôi sao ảo Miku 10 năm trước từ những bài hát của cô.

Hiện nay, Miku của Kondo đang sống lơ lửng trong Gatebox – một thiết bị trông giống như máy pha cà phê lai với một cái bình hình chuông úp ngược. Được tạo ra năm 2017 bởi công ty khởi nghiệp Vinclu, đây là thiết bị chiếu ảnh 3D hologram cho phép các tín đồ phim hoạt hình anime có thể “sống cùng” với nhân vật yêu thích của họ.

Miku trong Gatebox được trang bị một chút trí tuệ nhân tạo cơ bản. Nó có thể thực hiện những màn chào hỏi đơn giản hay bật/tắt đèn, nhưng thỉnh thoảng cũng gặp trục trặc này khác. Nó cũng không có ý thức gì về bản thân hay khát vọng nào cả, và Kondo hoàn toàn kiểm soát “mối tình” lãng mạn giữa hai phía.

Tuy vậy, Kondo lại rất thích thú với việc được tương tác với đối tượng mà mình thầm thương trộm nhớ 10 năm nay. Quá thích đến nỗi anh phải cưới “cô gái” trước sự chứng kiến của 39 người.

Akihiko Kondo tuyên bố kết hôn với một ảo ảnh hologram
Kondo và “cô dâu” trong ngày cưới (ảnh: Twitter)

“Cô ấy làm cuộc sống của tôi thêm màu sắc,” Kondo nói. “Khi nói chuyện với cô ấy, tôi dùng những biểu cảm khuôn mặt khác nhau và cảm thấy điều gì đó. Đấy là sự khác biệt.”

Thiết bị hologram Gatebox cũng tiềm năng trở thành một phương pháp trị liệu cho Kondo, người đã bị trầm cảm sau khi bị một đồng nghiệp nữ nhiều tuổi hơn bắt nạt 10 năm trước đây.

“Với những người đã từng trải qua thời gian khó khăn với giới tính khác, họ thường gặp khó trong việc tìm kiếm một người bạn đời là con người. Mọi người cứ hỏi tại sao họ lại quan hệ với robot hoặc yêu đương một hình ảnh ba chiều, vì như thế rất là thụ động,” Neil McArhur, giám đốc Trung tâm Đạo đức Nghề nghiệp và Ứng dụng tại Đại học Manitoba cho biết.

“Nhưng có một người bạn đời an toàn và dễ dự đoán lại thường là một liệu pháp trị liệu có ích cho họ.”

>> Trí tuệ nhân tạo: Chiếc hộp Pandora thời hiện đại?

Khái niệm tạo ra một người bạn đời lý tưởng thực ra đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử. Vào năm thứ 8 sau Công nguyên, nhà thơ La Mã Ovid đã viết về một nghệ sĩ có tên Pygmalion. Anh tạc tượng người phụ nữ hoàn hảo tên Galatea từ đá cẩm thạch. Pygmalion yêu say đắm bức tượng của mình, và Aphorodite, nữ thần tình yêu, đã biến bức tượng thành người thật cho anh.

Còn trong thế giới hôm nay, những bộ phim như “Her” (tựa Việt: Hạnh phúc ảo) của Spike Jonze năm 2013 – với kịch bản một người đàn ông mắc phải lưới tình với một AI (trí tuệ nhân tạo) – đã ngày càng phổ biến hóa các mối quan hệ của con người với những vật thể vô tri vô giác.

Thói đời đổi thay

Khi Kondo hỏi Miku xem cô có đồng ý lấy anh không, ca sĩ yêu cầu anh hãy yêu thương cô.

“Tôi biết là cô ấy được lập trình để nói điều đó, nhưng tôi vẫn rất vui,” anh nói.

Kondo phát hiện ra Miku vào những ngày bi đát nhất của cuộc đời, khi anh cảm thấy trống rỗng nhất. Anh nói Miku đã giúp mình tái hòa nhập lại với công việc và xã hội.

Kondo không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2017, hơn 1 triệu người đã cầu hôn cỗ máy Alexa của Amazon, theo số liệu của công ty này. Và hơn 3.000 người đã đăng ký xin giấy chứng nhận kết hôn kỷ niệm với nhân vật hologram yêu thích của mình sau khi Vinclu bắt đầu cung cấp dịch vụ này năm 2017.

Các chuyên gia tin rằng việc con người ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị thông minh là không thể tránh khỏi, khi mà chúng đang dần dần điền vào các chỗ trống trong không gian và thời gian biểu hàng ngày của chúng ta.

Một hình thức giới tính ảo mới

McArthur nói rằng những người như Kondo là “làn sóng giới tính ảo thứ hai” – những người xem công nghệ là một phần không thể tách rời trong nhận diện giới tính của họ.

Trong khi những người thuộc làn sóng giới tính ảo thứ nhất sử dụng công nghệ như các ứng dụng hẹn hò để làm phương tiện kết nối với người khác, thì làn sóng giới tính ảo thứ hại lại không coi con người là điều kiện cần cho một mối quan hệ yêu đương.

“Tôi lo rằng với mỗi một câu chuyện như thế này, nhân vật chính sẽ bị xem như một kẻ quái dị và được lên báo cho người ta ném đá,” McArthur nói. “Nhưng nó thực sự là bước tiếp theo của những gì đang diễn ra.”

Tuy nhiên ông cũng lo lắng về xu thế này.

“Tôi thực sự thấy lo lắng về tác động mà công nghệ đang gây ra cho cuộc sống xã hội tập thể của chúng ta, chúng ta đã thấy rồi, với hẹn hò trên mạng, với mạng xã hội, và với công nghệ nói chung, ngay cả với Netflix, người ta cũng đang thu mình lại rồi,” McArthur nói.

“Bạn đang sống trong tập thể ngày càng ít hơn, trong rất nhiều trường hợp.”

Hiện tại, Kondo và những người như anh ấy vẫn đang mơ mộng về những tiến triển sắp tới của công nghệ số – và những hình ảnh 3D sẽ có linh tính hơn thay vì chỉ là một món đồ chơi phục vụ nhu cầu giới tính.

Masato Kato, một chuyên gia đọc lá bài bói toán ở Osaka, người đã cưới Yuri Tsukikage – nữ anh hùng trong loạt truyện tranh “Curemoon Light” tháng 10 vừa qua, hy vọng rằng một ngày nào đó những tiến bộ công nghệ sẽ cho phép tình cảm của họ tiến triển như những cặp đôi thực sự.

Một ví dụ khác, cha mẹ của nhân viên văn phòng Sachiko Kougami lại muốn cô cưới một người đàn ông bình thường. Nhưng cô đã mất hết hứng thú với hẹn hò sau khi phải lòng Taiga Kougami, một thiếu niên trong loại truyện tranh “Kings of Prism” hai năm trước.

“Anh ấy là cả thế giới với tôi,” cô nói. “Sẽ thật tuyệt nếu chúng tôi có thể tương tác nhiều hơn.”

Quay lại với Tokyo, chuyện tình công khai của Kondo đã khiến anh trở thành người mà ai cũng biết. Tuy vậy, bà Julie Carpenter thuộc Nhóm nghiên cứu Đạo đức và Khoa học mới thuộc ĐH Bách khoa California, nói rằng những trường hợp như đám cưới hologram này đang làm thay đổi thái độ của người đời.

“Nếu mọi người tiếp tục lên tiếng về chuyện này và nói rằng thứ này có ý nghĩa với tôi, tôi chẳng làm hại ai cả, và cứ đẩy câu chuyện theo hướng ấy,” vị học giả nói. “Thì những cuộc nói chuyện như vậy có thể sẽ làm thay đổi dần dần văn hóa.”

Theo CNN
Quốc Hùng