Hôm 9/9 vừa qua, Bộ Y tế Nhật Bản đã thông báo xác nhận 18 ca nhiễm biến thể Eta. Đây là những trường hợp đầu tiên mắc chủng này được ghi nhận ở “xứ sở hoa anh đào”. Eta được phát hiện lần đầu ở Anh hồi tháng 12/2020, hiện có mặt tại hơn 70 quốc gia, nằm trong danh sách các “biến thể đáng quan tâm” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại cùng các biến chủng khác cũng xuất hiện tại Nhật Bản như Lambda, Mu, Kappa.   

Nhật Bản
(Ảnh minh họa: Par Corona Borealis Studio/Shutterstock)

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, 18 ca nhiễm trên được phát hiện thông qua việc phân tích gen của các mẫu xét nghiệm được lấy từ các bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại các khu cách ly. Những người này đến Nhật trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến ngày 3/9/2021. Quá trình phân tích gen được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản.

Biến thể Eta được phát hiện lần đầu ở Anh hồi tháng 12/2020, cho đến nay đã được ghi nhận tại hơn 70 quốc gia, chủ yếu là ở Mỹ và châu Âu. Chủng này được WHO xếp vào danh sách các “biến thể đáng quan tâm” từ tháng 3/2021, bên cạnh các biến thể Lambda chủ yếu lây lan rộng ở khu vực Nam Mỹ, biến thể Mu được ghi nhận ở nhiều nước Nam Mỹ và châu Âu, cùng biến thể Kappa được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.

Ba trong số các biến thể trên đều đã xuất hiện tại Nhật Bản. Bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể Lambda ở Nhật được xác định là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, di chuyển từ Peru đến sân bay Haneda, Tokyo hôm 20/7. Trong khi đó, các ca nhiễm biến thể Mu đầu tiên được xác định là một phụ nữ khoảng 40 tuổi đáp chuyến bay từ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đến Nhật hôm 26/6, và một phụ nữ khác khoảng 50 tuổi nhập cảnh vào nước này từ Anh hôm 5/7. Cho đến ngày 3/9, Nhật Bản đã có 19 ca nhiễm biến thể Kappa, trong đó có một trường hợp ở tỉnh Mie ngoài khu vực cách ly vào tháng 6.

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Tamura Norihisa cho biết, sự xuất hiện của các biến thể mới đang kéo theo tình trạng lây nhiễm COVID-19 “chưa từng có” ở nước này. Để tránh nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải, Nhật Bản chỉ cho phép nhập viện những người nhiễm COVID-19 trở nặng, trong khi các ca nhiễm nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Những trường hợp điều trị tại nhà sẽ được chính quyền cấp máy đo ôxy và được các bác sĩ tư vấn điều trị trực tuyến.

Theo NHK,

Phan Anh

Xem thêm: