Trước lo ngại về tính minh bạch trong khoa học, các tạp chí thuộc hệ thống Springer Nature hay Science đã điều chỉnh quy định nộp bài, qua đó yêu cầu không được đưa các ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) như ChatGPT vào danh sách tác giả, theo tờ The Guardian.

ChatGPT
(Ảnh minh họa: CHUAN CHUAN/Shutterstock)

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, ChatGPT (Generative Pretraining Transformer) đã trở thành hiện tượng gây sốt toàn cầu. Đây là ứng dụng AI phát triển bằng kỹ thuật học tăng cường, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Nền tảng này được cung cấp bởi nhà phát triển OpenAI, có thể làm thơ, viết code và trả lời nhiều vấn đề phức tạp từ tổng hợp tin tức đến triết học.

Trước sự bùng nổ với hàng triệu người dùng trên thế giới, nhiều nhà xuất bản thể hiện lo ngại ảnh hưởng của Chatbot AI này trong khoa học và học thuật. Trong động thái mới đây, Science đã cập nhật chính sách xuất bản mới, cho biết cấm các tác giả đưa vào bài báo khoa học những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng này cũng không được phép đứng tên tác giả bài báo. Tạp chí Science cho biết việc vi phạm quy định này cũng bị xem là hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng tương tự chỉnh sửa kết quả hay đạo văn.

Theo Tổng biên tập tạp chí Science Holden Thorp, có những tác động nghiêm trọng từ các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ thay đổi giáo dục như thế nào khi chúng có thể viết các bài luận cho sinh viên, giải đáp thắc mắc y học, tóm tắt nghiên cứu. Đáng ngại hơn là những ảnh hưởng trong việc viết bài báo khoa học khi chat GPT có thể tạo tóm tắt nghiên cứu đủ tốt khiến các nhà khoa học cũng khó phát hiện đó là “tin giả”.

Ông Thorp cho hay từ lâu các nhà khoa học phải cam kết rằng nghiên cứu của mình là “nguyên gốc” (original), không được sao chép từ bất cứ nguồn nào trước khi được chấp nhận xuất bản. Rõ ràng những đoạn văn được tạo tự động từ ChatGPT không phải do các nhà khoa học tự viết. Do đó, tạp chí Science xem đây là một hành động tương tự như đạo văn và vi phạm nghiêm trọng liêm chính học thuật.

Tuy nhiên ông cho rằng để tạo bài báo học thuật đích thực vẫn là một chặng đường dài và những sáng tạo không phải vấn đề mà AI có thể dễ dàng làm được. “Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ nghiên cứu, còn sản phẩm khoa học phải đến từ cỗ máy tuyệt vời trong đầu các nhà khoa học”, ông cho hay.

Ít ngày trước đó, Nature cùng tất cả tạp chí thuộc nhà xuất bản Springer Nature cũng thông báo điều chỉnh quy định nộp bài, yêu cầu không được đưa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT vào danh sách tác giả. Theo tạp chí danh tiếng này, một trong những tiêu chí để trở thành tác giả bài báo là phải chịu trách nhiệm về công trình, điều mà ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo không thể đáp ứng được.

Mới đây, với sự trợ giúp của phần mềm ChatGPT trang bị AI, một sinh viên Nga đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp chỉ trong 23 tiếng thay vì hàng tuần như các sinh viên khác. Trước sự việc này, Đại học Nhân văn Nga (RGGU) đã lên tiếng chỉ trích hành động của sinh viên và kêu gọi các cơ sở giáo dục hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT.

Bài luận văn đã vấp phải những phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng. Một số người cho rằng người sinh viên kia khôn khéo nhưng phần lớn cáo buộc anh ta gian lận. Thậm chí một số người dùng đã rất tức giận trước thủ đoạn này đến mức họ đã viết đơn khiếu nại tới RGGU và Bộ Giáo dục Nga, kêu gọi các quan chức điều tra và hủy luận văn tốt nghiệp của người này.

“Nhiều thập kỷ trước, các trường đại học phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối là đạo văn và tình trạng vay mượn ý tưởng. Giờ đây, cộng đồng giáo dục tiếp tục đối mặt với một thách thức mới liên quan đến việc sử dụng hệ thống mạng và trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động khoa học và giáo dục”, RGGU nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Phan Anh

Video: 3 điều đại kỵ cần tránh phạm phải trong cuộc đời