Một liên minh các hãng công nghệ lớn và tổ chức y tế bao gồm Oracle, Microsoft và Mayo Clinic đang hợp tác để phát triển hộ chiếu vắc-xin COVID-19 kỹ thuật số (digital COVID-19 vaccination passport), trong đó cho phép các doanh nghiệp, hãng hàng không và chính phủ kiểm tra xem liệu các cá nhân đã tiêm vắc-xin hay chưa.

hộ chiếu
(Ảnh minh họa: jax10289/Shutterstock)

“Hộ chiếu vắc-xin” liệu có an toàn?

Hôm 14/1 vừa qua, một liên minh các công ty công nghệ và tổ chức y tế lớn trên thế giới đã công bố Sáng kiến Chứng nhận Vắc-xin (VCI), theo đó người được cấp chứng nhận này có thể sử dụng điện thoại thông minh để chứng thực việc mình đã được tiêm vắc-xin COVID-19. Tham gia VCI có Oracle, Microsoft và Mayo Clinic.

Liên minh cho biết họ đang phát triển công nghệ chứng nhận kỹ thuật số, còn được gọi là “hộ chiếu vắc-xin”, để xác nhận việc tiêm vắc-xin trong trường hợp chính phủ yêu cầu mọi người cung cấp bằng chứng rằng họ đã được tiêm phòng để đi du lịch. Nhóm các tổ chức này cho hay rằng sẽ nâng cấp các tiêu chuẩn của những bản sao kỹ thuật số (được mã hóa) giấy chứng nhận tiêm vắc-xin để nó có thể được lưu trữ trong ví điện tử.

Liên minh hy vọng rằng công nghệ này sẽ cho phép mọi người “chứng minh tình trạng sức khỏe của mình có thể để đi du lịch, làm việc, học tập và sinh sống trở lại một cách an toàn mà vẫn bảo đảm quyền riêng tư về dữ liệu.” Nhóm đang sử dụng sản phẩm từ tài liệu kỹ thuật số quốc tế của Dự án Commons để xác minh một người có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Hiện tại, hệ thống của Dự án Commons, được thành lập với sự hợp tác của Quỹ Rockefeller, đang được sử dụng bởi 3 liên minh hàng không lớn. Theo Giám đốc điều hành Paul Meyer của Commons Project (tổ chức phi lợi nhuận tham gia VCI), liên minh hiện đang thảo luận với một số chính phủ để tạo ra một chương trình yêu cầu xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng về việc đã tiêm vắc-xin. Ông bày tỏ mong muốn nỗ lực của của liên minh sẽ hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức toàn cầu khác triển khai và mở rộng các tiêu chuẩn toàn cầu về tương tác dữ liệu y tế.

Ông Meyer cho biết trong một thông cáo: “Mục tiêu của VCI là cho phép các cá nhân quyền truy cập kỹ thuật số vào hồ sơ tiêm vắc-xin của mình, nhờ đó họ có thể sử dụng các công cụ như CommonPass để đi du lịch, làm việc, học tập và sinh sống trở lại một cách an toàn, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu.”

Ông Mike Sicilia, phó chủ tịch điều hành các Đơn vị Kinh doanh Toàn cầu của hãng Oracle nhận xét rằng hộ chiếu “cần phải đơn giản như ngân hàng trực tuyến,” và cho biết thêm: “Chúng tôi cam kết làm việc tập thể với cộng đồng công nghệ và y tế, cũng như các chính phủ toàn cầu nhằm đảm bảo mọi người sẽ có quyền truy cập an toàn vào thông tin này khi nào họ cần.”

VCI được công bố trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai trên toàn cầu, dự kiến trong suốt cả năm 2021. Đề xuất trên được đưa ra khi người dân ủng hộ việc sử dụng điện thoại thông minh nhằm theo dấu vết của COVID-19, song cũng tồn tại những lo ngại rằng công cụ này có thể được sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát.

“Hộ chiếu vắc-xin” đặt ra những câu hỏi cần thiết về việc bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu và quyền con người. Đơn cử là nhiều cơ quan sẽ yêu cầu người dân cung cấp thông tin về sức khỏe, chẳng hạn như kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc hồ sơ tiêm chủng, thì mới được vào một số không gian công cộng và tư nhân như nhà hàng, nhà thờ hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng.

Khi đã xây dựng được hộ chiếu vắc-xin, liên minh cần đảm bảo thông tin cá nhân của khách hàng phải được bảo mật tuyệt đối, đồng thời cần tính đến các biến số chênh lệch giữa các loại vắc-xin với nhau, bởi hiện tại vắc-xin được nhiều quốc gia cùng sản xuất.

Tiến sĩ Julie Parsonnet, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, cho biết cũng chưa rõ hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Vì vậy, mặc dù ứng dụng “hộ chiếu vắc-xin” sẽ hiển thị rằng bạn đã được tiêm chủng, nhưng nó chưa thể đảm bảo rằng bạn được an toàn khi tham dự một sự kiện hoặc khi bay đến một vùng đất khác.

Động thái ở một số quốc gia

Thông điệp của WHO về “hộ chiếu vắc xin” khá rõ ràng. Bác sĩ Catherine Smallwood, chuyên viên cao cấp về vấn đề khẩn cấp của WHO tại châu Âu cho biết: “Chúng tôi không khuyến nghị sử dụng “hộ chiếu vắc-xin và cũng không khuyến khích việc dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới. Những gì chúng tôi khuyến nghị là các quốc gia nên xem xét dữ liệu về sự lây lan trong nước và nước ngoài, đồng thời điều chỉnh hướng dẫn đi lại của họ cho phù hợp.”

Bất chấp khuyến nghị của quan chức WHO, nhiều nước châu Âu dường như có xu hướng ủng hộ việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”.

Tại Hi Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã cố dung hòa lợi ích các bên khi xác nhận tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ không phải là đòi hỏi bắt buộc trong vấn đề di chuyển, nhưng ai đã tiêm vắc-xin rồi thì họ nên được tự do di chuyển. Điều này có thể hiểu là trong trường hợp một khu vực bị phong tỏa do đại dịch, những ai đã tiêm vắc-xin có thể được miễn trừ.

Ở Hungary, chính quyền đã yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng minh là mình đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.

Tại Iceland, người nào có giấy tờ xác nhận mình đã từng nhiễm và khỏi COVID-19 kể từ ngày 10/12/2020 thì không cần xét nghiệm hay cách ly. Người phát ngôn của chính phủ này cho rằng yêu cầu trên của chính quyền không giống với yêu cầu chứng nhận đã tiêm vắc-xin.

Bỉ ủng hộ “hộ chiếu vắc-xin” ở Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí là trên toàn cầu. Dự báo nhiều nước sẽ đòi hỏi du khách phải trình chứng nhận đã tiêm vắc-xin ở cửa khẩu.

Đan Mạch đã cho phép người dân lấy hộ chiếu này trên trang web của Bộ Y tế.

Tại Canada, nhà lãnh đạo quốc gia này cho rằng việc chuẩn hóa một biện pháp như vậy có thể có “tác động gây chia rẽ thực sự” đối với Canada và các cộng đồng dân cư. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nêu rõ: “Tôi nghĩ đó là một ý tưởng thú vị nhưng cũng đầy thách thức – chúng tôi đang khuyến khích và thúc đẩy mọi người tiêm vắc-xin càng nhanh càng tốt, nhưng chúng tôi luôn biết rằng có những người sẽ không tiêm phòng. Có những lý do về y tế, có rất nhiều lý do khiến một người không tiêm phòng và tôi lo lắng về việc tạo ra những tác động không mong muốn trong cộng đồng của chúng tôi.” Thủ tướng cũng nói thêm rằng việc có đủ người dân Canada nhiệt tình hưởng ứng tiêm chủng sẽ giúp nước này không cần phải thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn như thực hiện cấp “hộ chiếu vắc-xin”.

Thời điểm cuối năm 2020, Israel đã công bố “hộ chiếu xanh”, trong đó cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do. Cũng trong thời gian này, Đan Mạch thông báo đang phát triển “hộ chiếu vắc-xin” kỹ thuật số cho những người đã tiêm vắc-xin, trong khi đề xuất về cấp “thẻ vắc-xin” cho phép đi lại tự do trên khắp EU.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: