Một cỗ máy thời gian luôn là giấc mơ của con người bởi nó giúp chúng ta quay về quá khứ. Trên thực tế, thứ gần nhất giúp đưa chúng ta về những thời đại xa xưa là ngành khảo cổ học. Các nhà khảo cổ sử dụng nhiều công nghệ như radar xuyên lòng đất, kính hiển vi electron, trình tự DNA, và tất nhiên là cả những chiếc xẻng. Với những trang thiết bị và kỹ thuật phù hợp, những nhà khảo cổ học đã mang đến những công trình cho phép chúng ta tái hiện lại quá khứ. 

Nhiều năm sau, khi nhìn lại về năm 2020, khảo cổ học chắc chắn sẽ không phải điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí mỗi chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà 2020 không phải là một năm thành công với ngành khoa học quan trọng này. Hãy cùng điểm qua những phát hiện ấn tượng nhất trong năm vừa qua.

1. Một con mèo khổng lồ xuất hiện ở Peru sau 2.000 năm:

khảo cổ
Hình con mèo này đã được vẽ từ khoảng 2.000 năm trước. (Ảnh: Gizmodo/Twitter)

Một số công nhân ở Peru đã vô tình phát hiện ra hình vẽ một chú mèo dài 37m trên ngọn đồi Mirador Natural Hill, nơi nằm ngay trên những hình vẽ Nazca nổi tiếng được UNESCO công nhận. Hình vẽ mèo này được xác định thuộc về văn hóa Paracas, có niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước. Tác phẩm chú mèo khổng lồ đã bị bỏ quên lâu đến vậy bởi các đường nét đã bị mờ đi quá nhiều, và nó chỉ hiện ra rõ ràng sau công cuộc phục dựng được thực hiện gần đây.

2. Phát hiện 27 quan tài hơn 2.500 năm tuổi ở Ai Cập

khảo cổ
Một trong những quan tài bằng gỗ mới được phát hiện. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

Các nhà khảo cổ đã khai quật được 27 quan tài bằng gỗ, có niên đại hơn 2.500 năm tại Saqqara (phía Nam thủ đô Cairo, Ai Cập), khu mộ cổ có kim tự tháp lâu đời nhất thế giới Djoser. Điều đặc biệt là tất cả những quan tài này đều còn nguyên vẹn như lúc mới chôn ở độ sâu 11m.

Theo Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, các quan tài được sơn trang trí tinh xảo, phủ đầy chữ hình tượng, có khuôn mặt giống với người đã khuất, được tìm thấy trong trạng thái gồm 2 khối xếp chồng lên nhau và chưa bị mở ra. Điều đáng nói là, các quan tài hầu như còn nguyên vẹn so với lúc chôn xuống dưới lòng đất cách đây 2.500 năm.

3. Loại thép không gỉ sơ khai 1.000 năm tuổi được tìm thấy ở Iran

khảo cổ
Hình ảnh dưới kính hiển vi cho thấy mảnh thép tròn lẫn trong xỉ. (Ảnh: UCL Archaeology)

Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 9/2020, người Persia cổ đại đã rèn loại hợp kim làm từ thép crôm – hay thường được chúng ta gọi là thép không gỉ – từ khoảng 1.000 năm trước. Loại thép này với khoảng 1% đến 2% crôm và 2% phốt pho, đã được sử dụng để sản xuất kiếm, dao găm, giáp trụ và nhiều đồ vật khác. Nói chính xác, những đồ vật này không phải là không gỉ, và thậm chí còn khá mong manh bởi phần phốt pho thêm vào, nhưng đây hiện là bằng chứng đầu tiên của việc thêm khoáng chất của crôm (ở đây là cromit) vào nồi luyện thép một cách có chủ đích.

4. Thổ dân châu Mỹ có thể đã tới quần đảo Polynesia trước người châu Âu từ rất lâu

khảo cổ
Hình ảnh trên đảo Phục Sinh. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Những nghiên cứu thú vị được công bố hồi tháng 7/2020 đã chỉ ra rằng, những người bản địa Nam mỹ đã vượt biển tới khu vực các đảo thuộc Nam Thái Bình Dương khoảng 300 năm trước khi thực dân châu Âu xuất hiện tại đây. Bằng chứng về di truyền đã cho thấy một hành trình được thực hiện vào khoảng năm 1200, khi một nhóm người từ Nam Mỹ đã vượt qua hàng ngàn dặm để tới quần đảo Polynesia, chung sống với cư dân bản địa và lưu lại dấu ấn di truyền của mình. Những cư dân “lai” này sau đó tiếp tục sinh sống ở các đảo khác vào khoảng năm 1380, trong đó có cả đảo Rapa Nui, hay được phương Tây gọi với cái tên đảo Easter (đảo Phục Sinh).

5. Kiến trúc hình tròn được phát hiện gần Stonehenge

khảo cổ
Đường màu đen biểu thị toàn bộ kiến trúc tròn, với 20 hố kí hiệu màu đỏ. (Ảnh minh họa: Đại học St. Andrews)

Các nhà khảo cổ học làm việc ở đồng bằng Salisbury gần bãi đá cổ Stonehenge đã tìm thấy bằng chứng của một hệ kiến trúc dạng tròn khổng lồ với niên đại khoảng 4.500 năm. Kiến trúc này gồm 20 hố được sắp xếp cẩn thận, với những hố lớn nhất có đường kính 10 – 20m và sâu 5m. Những hố này tạo thành một vòng tròn với bán kính trung bình khoảng 864m tính từ điểm trung tâm, và được coi là công trình tiền sử lớn nhất từng được tìm thấy ở nước Anh. Mục đích xây dựng kiến trúc này hiện không xác định được, nhưng người ta cho rằng chúng là ranh giới cho một khu vực thiêng liêng với người xưa.

6. Chiếc giường niên đại 200.000 năm làm từ cỏ và tro

Nhung kham pha khao co an tuong trong nam 2020 3
(Ảnh: Lyn Wadley/University of the Witwatersrand)

Những mẫu vật như công cụ, xương đã chặt, hố lửa và tranh vẽ trong hang đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về quá khứ, nhưng các nhà khảo cổ thường khó lật lại được những vết dấu thông thường hơn về đời sống tiền sử. Đây là lí do mà phát hiện của những chiếc “giường” thô sơ trong một hang đá tại dãy núi Lebombo gần Nam Phi lại quan trọng đến vậy, khi nó cho ta thấy cách con người ngủ khoảng 227.000 năm trước. Những chiếc giường này được làm từ nhiều lớp cỏ đặt trên một lớp tro. Ngoài việc cung cấp một chỗ nằm tiện nghi và cách biệt, chiếc giường này có thể làm côn trùng tránh xa nhờ lớp tro. Những chiếc giường kiểu này thường được đốt để tránh sâu bọ và rồi lại trải một lớp cỏ mới lên trên.

7. Kiến trúc Kỷ Băng hà làm từ xương của 60 con voi ma mút

Nhung kham pha khao co an tuong trong nam 2020 4
Hàng trăm mảnh xương voi ma mút được tìm thấy tại di chỉ Kostenki 11, Nga. (Ảnh: A. J. E. Pryor et al., 2020/Antiquity)

Trước đây, các nhà khoa học đã từng tìm thấy những kiến trúc làm từ xương voi ma mút, thế nhưng không có cái nào trong số đó có thể so với phát hiện gần đây tại thành phố Voronezh, Nga về kích thước. Với niên đại khoảng 25.000 năm, nó cũng là công trình cổ nhất thuộc loại này từng được tìm thấy. Kiến trúc này rộng 12,5m và được làm từ hàng trăm mảnh xương voi ma mút lông xoăn. Theo các nhà khoa học, kiến trúc này có thể là chỗ trú ngụ cho con người tránh khỏi cái lạnh mùa đông Kỷ Băng hà, và cũng có thể là một chỗ để trữ thức ăn.

8. Một thành phố La Mã dưới lòng đất hoàn toàn lộ diện mà không cần đào bới

Nhung kham pha khao co an tuong trong nam 2020 5
Một bản đồ của Falerii Novi, được dựng lên từ dữ liệu viễn thám. (Ảnh: Verdonck et al., 2020/Antiquity)

Công nghệ viễn thám đã cho phép các nhà khảo cổ ở nước Ý dựng lên một bản đồ của thành phố tên gọi Falerii Novi với đầy đủ các công trình, tượng đài, đường sá hay cả những đường ống nước. Điểm thú vị là họ không cần thực hiện khai quật một chút nào cả.

Thành phố Falerii Novi nằm cách Rome 50 kilomet về phía Bắc có cư dân sinh sống từ năm 241 TCN cho tới năm 700, đã được giới khảo cổ biết đến từ trước. Dù chúng ta có thể thấy bản đồ trong hình rất chi tiết, nhưng nó vẫn chỉ mới là bản đồ sơ bộ, bởi các nhà khoa học vẫn đang thực hiện phân tích 28 tỉ điểm dữ liệu được các thiết bị viễn thám gửi về.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: