Người Nhật Bản luôn làm nên bất ngờ với những ý tưởng sáng tạo độc đáo, và việc tái chế điện thoại cũ để làm huy chương vàng cho Olympic 2020 không phải là ngoại lệ.

huy-chuong
Olympic Nhật Bản 2020 sẽ làm huy chương tái chế từ điện thoại (Ảnh qua Olympic.org)

Ý tưởng này đã bắt đầu từ khoảng giữa năm 2016 trong một chiến dịch xử lý rác thải điện tử của quốc gia này và Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quyết định tiền hành chương trình thu gom điện thoại cũ.

Hầu hết thiết bị công nghệ hiện nay đều chứa một lượng nhỏ kim loại hiếm như platinum, palladium, vàng, bạc, lithium, cobalt và nickel. Tái chế điện thoại cũ để có thể tận dụng những kim loại này cho sản xuất huy chương. Ước tính, để làm ra được 5.000 tấm huy chương vàng, cần phải huy động ít nhất 8 tấn kim loại từ điện thoại thải ra.

Ban tổ chức đã phối hợp với NTT Docomo đặt các điểm thu gom điện thoại tái chế tại hơn 2.400 cửa hàng của nhà mạng này trên khắp nước Nhật. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều điểm thu gom khác để người dân có thể dễ dàng “ký gửi” những chiếc smartphone cũ.

Nhật Bản tuy không phải là quốc gia giàu tài nguyên nhưng lượng vàng, bạc trong các thiết bị điện tử tiêu dùng do nước này sản xuất chiếm khoảng 16-22% tổng dự trữ của cả thế giới. Việc tái chế điện thoại làm huy chương vàng này sẽ giúp tiết kiệm chi phí tổ chức và mở ra một hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của Nhật trong tương lai.

Trước đây, nguyên liệu để tạo nên các huy chương Olympic đều được khai thác từ các mỏ khoáng sản. Dự án tái chế smartphone và thiết bị điện tử để làm huy chương Olympic Tokyo 2020 là một ý tưởng độc đáo của người Nhật nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường, vì một tương lai sạch và bền vững hơn.

Trước đó, cũng đã từng có những kỳ Olympic sử dụng rác thải điện tử tái chế để làm huy chương, nhưng Olympic Tokyo 2020 tuyên bố đây sẽ là kỳ Olympic đầu tiên có toàn bộ các huy chương vàng làm từ kim loại tái chế.

Giám đốc Thể thao của Olympic Tokyo 2020, ông Koji Murofushi cho hay: “Thật tốt khi có một dự án cho phép người dân Nhật Bản tham gia vào việc tạo ra các huy chương. Tài nguyên trên trái đất của chúng ta cũng có giới hạn, do đó, việc tái chế này sẽ khiến chúng ta có ý thức hơn về môi trường.”

Ý tưởng này cũng nhận được sự phản hồi tốt từ nhiều vận động viên. Anh Ashton Eaton, người đã 2 lần liên tiếp đạt huy chương vàng Olympic ở nội dung 10 môn phối hợp cho biết: “Huy chương Olympic 2020 không chỉ là động lực cho các vận động viên mà mỗi chiếc còn có một câu chuyện riêng của chính mình. Mỗi công dân đều có thể đóng góp vào câu chuyện này và nâng cao nhận thức về sự phát triển bền vững của tương lai…”

Cùng xem đoạn video ghi lại hình ảnh người Nhật Bản thu gom điện thoại cũ để sản xuất huy chương vàng:

Minh Nhật

Xêm thêm: