Hôm 1/9 vừa qua, Pfizer đã thông báo về việc bắt đầu thử nghiệm giai đoạn sau đối với liệu pháp điều trị COVID-19 dạng viên uống ở những bệnh nhân trưởng thành có triệu chứng không nhập viện.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Mikael Dolsten/Shutterstock)

Thử nghiệm giai đoạn từ giữa đến cuối của Pfizer có sự tham gia của 1.140 người, trong đó nghiên cứu liệu pháp PF-07321332 kết hợp với 1 liều Ritonavir vốn được sử dụng với các loại thuốc kháng virus khác.

PF-07321332 được tạo ra để ngăn chặn hoạt động của một enzym quan trọng cần thiết cho sự tái tạo của virus corona.

Nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả, loại thuốc này có thể đáp ứng nhu cầu về phương pháp điều trị rộng rãi, dễ sử dụng hơn, thay vì truyền tĩnh mạch như Remdesivir.

“Nếu thành công, thuốc có khả năng giải quyết nhu cầu y tế đáng kể chưa được đáp ứng, cung cấp cho bệnh nhân một liệu pháp thông qua đường uống mới có thể kê đơn khi xuất hiện dấu hiệu lây nhiễm đầu tiên mà không cần nhập viện”, theo Pfizer.

Hãng cho biết thêm rằng loại thuốc uống này có thể được sử dụng cho số lượng lớn bệnh nhân, cụ thể là những người có triệu chứng COVID-19, những người không phải nhập viện hoặc có nguy cơ bị bệnh nặng. Một thử nghiệm riêng đã triển khai từ tháng 7 với những người có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Hồi tháng 7, Pfizer tiết lộ rằng nếu thử nghiệm PF-07321332 thành công, hãng có khả năng nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp trong quý IV năm nay.

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép đầy đủ vắc-xin Pfizer-BioNTech, qua đó trở thành loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên được phép sử dụng đầy đủ ở Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, thuốc Remdesivir của Gilead Sciences là phương pháp điều trị kháng virus duy nhất được chấp thuận để điều trị COVID-19 ở Mỹ.

Bên cạnh Pfizer, các hãng dược phẩm khác như Roche và Merck cũng đang nghiên cứu những phương pháp điều trị COVID-19 dạng viên uống để điều trị từ khi bệnh có dấu hiệu sớm.

Thuốc Molnupiravir của Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics đang được nghiên cứu trong thử nghiệm giai đoạn cuối ở những bệnh nhân không nhập viện để xem thuốc có làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong hay không.

Theo Reuters,

Phan Anh