Những kẻ săn trộm đã đột nhập vào một sở thú Pháp. giết chết một con tê giác trắng và cưa đi sừng của nó trước khi bỏ trốn trong màn đêm.

Theo thông tin từ sở thú Thoiry, cảnh sát đang điều tra vụ việc sát hại con vật 4 tuổi này và chưa tìm ra thủ phạm.

“Tôi cực kì bị sốc trước điều vừa xảy ra,” giám đốc sở thú Thierry Duguet nói với trang France’s 20 Minutes. “Một hành động man rợ, chưa từng có ở châu Âu.”

Ông Duguet nói với hãng tin AP rằng con tê giác tên Vince đã bị bắn 3 phát vào đầu. Những kẻ săn trộm có lẽ đã dùng cưa máy để cắt đi một sừng của nó, còn chiếc sừng thứ hai chỉ mới bị cắt một nửa, cho thấy có lẽ chúng đã bị xen ngang hoặc hỏng thiết bị khi đang thực hiện.

Hai con tê giác trắng còn lại của sở thú – Gracie 37 tuổi và Bruno 5 tuổi – vẫn bình an, chúng đã may mắn thoát khỏi số phận bi thảm.

“Tê giác Vince được tìm thấy sáng nay bởi người chăm sóc nó – người rất gắn bó với con tê giác, và đau buồn sâu sắc bởi vụ việc,” sở thú viết trong thông báo. “Tội ác ghê tởm này đã được tiến hành bất chấp sự hiện diện của 5 nhân viên sở thú sống tại đó và camera giám sát.”

Bất chấp lệnh cấm quốc tế và quy định của nước Pháp, việc mua bán trái phép sừng tê giác vẫn diễn ra vì nhu cầu dùng làm thuốc ở châu Á. Một kg sừng tê giác có thể bán với giá chợ đen gần 54.000 USD vào năm 2015, theo thông tin từ sở thú.

>> Sừng tê giác: Thần dược hay lời đồn?

Loài tê giác trắng phương Nam như Vince đã gần như tuyệt chủng vào thế kỉ 19, theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF). Nhờ những nỗ lực bảo tồn, 20.000 con tê giác hiện đang sống trong các khu vực được bảo vệ hoặc các khu bảo tồn tư nhân. Chúng là loài tê giác duy nhất không bị rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.

Nạn săn trộm đang tăng vọt trên thế giới

“Hàng trăm con tê giác đã bị giết mỗi năm, trong một vài năm gần đây,” WWF cho biết. “Chúng đặc biệt dễ bị săn bắn, bởi vì chúng khá là hiền lành.”

Sau vụ tấn công này, sở thú Thoiry đang cảnh báo các cơ sở khác phải thận trọng hơn.

“Các công viên động vật khắp châu Âu đã được cảnh báo… để vào được đó người ta phải leo qua tường rào 3,5m, qua những cánh cửa gắn khóa,” cựu quản lý khu vực động vật châu Phi tại sở thú Thoiry – ông Paul de La Panouse phát biểu với trang Guardian. “Không dễ mà giết một con tê giác nặng vài tấn như thế. Đó là việc của những tay chuyên nghiệp.”

Tổ chức Tsavo Trust thông báo trên Facebook: “Với nỗi đau buồn to lớn, chúng tôi thông báo về cái chết của Satao, một trong những con voi ngà lớn mang tính biểu tượng và được yêu quý tại khu bảo tồn Tsavo… Tsavo và Kenya sẽ không còn được nhìn ngắm sự hiện diện uy nghi của nó.” (ảnh: Tsavo Trust/Facebook)
Tổ chức Tsavo Trust thông báo trên Facebook: “Với nỗi đau buồn to lớn, chúng tôi thông báo về cái chết của Satao, một trong những con voi ngà lớn mang tính biểu tượng và được yêu quý tại khu bảo tồn Tsavo… Tsavo và Kenya sẽ không còn được nhìn ngắm sự hiện diện uy nghi của nó.” (ảnh: Tsavo Trust/Facebook)

Trong một vụ việc khác xảy ra ở châu Phi, những kẻ săn trộm vừa sát hại một trong những con voi “ngà lớn” còn sót lại cuối cùng.

Con voi Satao II, khoảng 50 tuổi, được cho là đã bị bắn tên độc tại công viên quốc gia Tsavo, Kenya. Đây là một con voi già và lớn nhất châu Phi, trong một nhóm voi “ngà lớn” còn lại chỉ khoảng 25 con. Satao II khá nổi tiếng và được nhiều khách du lịch yêu quý.

Xác của nó được tìm thấy ngày 6/3 vừa qua trong một đợt giám sát bằng máy bay hằng ngày, và hai kẻ săn trộm đã bị bắt giữ ngay sau đó. Nhân viên khu bảo tồn đã tìm thấy xác con voi trước khi những kẻ săn trộm kịp lấy đi ngà của nó.

Không chỉ động vật, mà cả con người cũng bị thiệt hại trong cuộc chiến để bảo vệ chúng. Cái chết của Satao II xảy ra chỉ 2 ngày sau khi một nhân viên của Cục bảo tồn hoang dã Kenya thiệt mạng. Đây là vụ tử vong thứ hai xảy ra chỉ trong vòng 1 tháng do đụng độ với các tay săn trộm.

Theo The Guardian, NPR.org,
Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: