Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, mới đây đã phát hiện ra một biến chủng HIV mới (tên là VB) có độc lực cao đã “ẩn náu” ở Hà Lan trong nhiều thập kỷ. Đáng chú ý, VB có tới hơn 500 đột biến, đồng thời những người nhiễm chủng mới có khả năng chuyển sang bệnh AIDS (giai đoạn cuối của HIV) chỉ sau 2-3 năm sau khi được chẩn đoán. Con số này nhanh hơn rất nhiều so với thời gian trung bình 6-7 năm của những chủng HIV khác.

biến chủng HIV
(Ảnh minh họa: Giovanni Cancemi/Shutterstock)

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 3/2 vừa qua. Mặc dù biến chủng HIV mới có độc lực cao, các phương pháp điều trị hiện đại vẫn có tác dụng ức chế virus và nhóm chuyên gia khẳng định rằng sự xuất hiện của nó “không có gì đáng báo động”.

Phat hien bien chung HIV moi nguoi nhiem co the chuyen sang AIDS chi sau 2 3 nam 1
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science. (Ảnh: Chụp màn hình)

Biến chủng HIV mới có tới hơn 500 đột biến

Phát hiện mới cho thấy những bệnh nhân bị nhiễm “biến chủng VB” có nồng độ virus HIV trong máu cao hơn 3,5-5,5 lần người nhiễm chủng khác. Hệ miễn dịch của họ cũng bị suy giảm nhanh chóng. Dù vậy, điều đặc biệt là sau khi được điều trị, hệ miễn dịch của họ có khả năng hồi phục và sống sót tương tự người nhiễm các chủng HIV khác.

Nhà dịch tễ học Chris Wymant tại Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Không có gì đáng báo động về biến chủng HIV mới này”.

Theo các nhà nghiên cứu, biến chủng mới có thể xuất hiện vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 ở Hà Lan, nhưng bắt đầu suy giảm vào khoảng năm 2010.

Virus HIV phát triển không ngừng, thậm chí một người có thể nhiễm một phiên bản khác nhau của nó. Sự khác nhau này nằm ở các đột biến. Những loại virus khác nhau này có thể được nhóm lại, giống như các anh/chị/em có DNA khác nhau, nhưng cùng một họ. Ở cấp độ cao hơn, chúng ta có thể nhóm chúng vào cùng một chủng.

Việc phân nhóm HIV theo chủng thường có mối tương quan chặt chẽ với địa lý. Ví dụ, ở châu Phi, các kiểu phụ A, C và D là phổ biến nhất. Ở châu Âu và Mỹ, chủng phụ B là phổ biến nhất. Sự khác biệt này giữa các khu vực được hình thành khi HIV lần đầu tiên lan rộng khắp thế giới vào giữa thế kỷ XX và ít thay đổi kể từ đó.

Điều khiến biến chủng VB đặc biệt là nó có tới hơn 500 đột biến. Theo nghiên cứu trên, các tác giả phát hiện rằng trong 109 người nhiễm biến chủng VB, hiện chỉ có 4 người sống bên ngoài Hà Lan, tuy nhiên, họ vẫn ở các nước Tây Âu.

Ban đầu, họ xác định được biến chủng VB ở 17 cá nhân dương tính với HIV khi phân tích tập dữ liệu từ dự án BEEHIVE. Đây là dự án dữ liệu về sức khỏe của người nhiễm HIV ở châu Âu và Uganda. Trong đó, 15/17 người nhiễm biến chủng mới đến từ Hà Lan. Vậy nên, họ đã nghiên cứu thêm dữ liệu của 6.700 người Hà Lan khác dương tính với HIV và xác định được 92 bệnh nhân tương tự.

Trong dữ liệu thu được, biến chủng VB xuất hiện sớm nhất trong mẫu bệnh phẩm của một người được chẩn đoán vào năm 1992. Đây là phiên bản đầu tiên của nó. Lần gần nhất phát hiện người nhiễm biến chủng này là năm 2014.

Nguy cơ chuyển sang AIDS chỉ sau 2-3 năm nếu nhiễm biến chủng HIV mới

Khi đo tốc độ và mức độ suy giảm của hệ thống miễn dịch qua tế bào T-CD4, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nó diễn ra nhanh gấp đôi ở người nhiễm biến chủng VB. Điều này khiến các bệnh nhân có nguy cơ chuyển sang thành bệnh AIDS, giai đoạn cuối của HIV, nhanh hơn nhiều lần.

Bên cạnh tác động lớn lên hệ thống miễn dịch, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy VB có khả năng lây lan cao hơn. Kết luận này được đưa ra sau khi so sánh các phiên bản khác nhau của biến chủng VB trên những bệnh nhân HIV. Chúng rất giống nhau, qua đó chỉ ra rằng virus đã lây truyền nhanh chóng sang người khác trước khi nó có thể tích lũy nhiều đột biến.

Phát hiện quan trọng tiếp theo của nghiên cứu này đó là chủng VB có thể không lan rộng ra bên ngoài Hà Lan. Họ phân tích các mẫu từ nghiên cứu về người nhiễm HIV ở Thụy Sỹ từ năm 2009. Trong đó, chỉ 3 người có chủng virus liên quan.

Dựa trên những phát hiện đó, nhóm tác giả giả thuyết rằng nếu không được điều trị sớm, những người mang dòng HIV VB có khả năng chuyển sang bệnh AIDS chỉ sau 2-3 năm sau khi được chẩn đoán. Con số này nhanh hơn rất nhiều so với thời gian trung bình 6-7 năm của những chủng HIV khác.

Sự giống nhau về độ tuổi, giới tính, phương thức nghi nhiễm HIV và nơi sinh khiến các tác giả cho rằng hàng trăm đột biến mới có thể là nguyên nhân làm tăng độc lực và khả năng lây truyền của chủng VB.

Hơn nữa, các tác giả không thể xác định được đột biến di truyền nào trong biến chủng VB khiến nó có độc lực cao như vậy. Tuy nhiên, họ hy vọng các nghiên cứu trong tương lai có thể giải đáp được câu hỏi này.

Phat hien bien chung HIV moi nguoi nhiem co the chuyen sang AIDS chi sau 2 3 nam 2
Tờ AFP đưa tin về biến chủng HIV mới được phát hiện. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chẩn đoán và điều trị sớm là điều rất quan trọng

Các biện pháp can thiệp hiện đại dường như vẫn có hiệu quả trên VB, do đó, nhóm nghiên cứu khá chắc chắn về việc phương pháp điều trị HIV phổ biến ở Hà Lan không khiến virus phát triển mạnh hơn và việc điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

“Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó, những cá nhân có nguy cơ nhiễm HIV cần được xét nghiệm chẩn đoán thường xuyên và điều trị ngay lập tức”, nhà nghiên cứu Christophe Fraser, đồng tác giả, cho biết. Công trình này cũng ủng hộ giả thuyết rằng virus có thể trở nên độc hại hơn. Biến chủng Delta được xem là một ví dụ cho nhận định này.

Do đó, việc phát hiện biến chủng HIV mới là “lời cảnh báo thế giới đừng bao giờ tự tin thái quá khi nói virus sẽ trở nên dần suy yếu”, ông Wymant nói với tờ AFP.

Trong khi đó, nhà virus học Michael Emerman, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, lại bày tỏ mối lo ngại trước tác động tiềm tàng của thông tin mà các tác giả tại Đại học Oxford đưa ra. Theo NBC News, ông cho rằng nếu hiểu sai, nhiều người sẽ hiểu lầm biến chủng VB là “chủng siêu HIV chết người”. Sự lo lắng của ông Emerman không phải là không có cơ sở.

Năm 2005, các nhà nghiên cứu ở New York, Mỹ, phát hiện một người đàn ông đồng tính nhiễm chủng HIV được cho là có độc lực cao. Ông bị bệnh AIDS sau 20 tháng nhiễm bệnh. Thời điểm đó, tất cả phương pháp điều trị kháng virus hiện có đều không phát huy có tác dụng. Người này cho hay thường xuyên sử dụng ma túy đá và quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình.

Ông Tom Frieden, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, sau này được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã tổ chức họp báo vào tháng 2/2005 về phát hiện này và đưa ra một số cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng. Thông báo từ CDC đã tạo nên sự hoảng loạn toàn cầu về siêu vi khuẩn.

Cuối cùng, bệnh nhân ở New York đã đáp ứng tốt phương pháp điều trị, không có thêm trường hợp nào khác nhiễm HIV và phát triển bệnh nhanh như vậy.

Kinh nghiệm trong quá khứ khiến các tác giả tại Đại học Oxford khá thận trọng khi đưa ra những kết luận. Theo nhà dịch tễ học Wymant, biện pháp xét nghiệm rộng rãi và bắt đầu điều trị ngay lập tức sau khi chẩn đoán có thể giúp phát hiện người nhiễm biến chủng VB và đảm bảo nó không ảnh hưởng nguy hiểm tới bệnh nhân.

Theo AFP,

Phan Anh

Xem thêm: