Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hài cốt của một người có niên đại 31.000 năm trong một hang động hẻo lánh ở Indonesia. Trong khi phần lớn bộ xương còn nguyên vẹn, bàn chân trái và phần dưới của chân trái bị mất, được cho là bằng chứng phẫu thuật cắt cụt chi sớm nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này có thể viết lại lịch sử của y học. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 7/9 vừa qua.

cắt cụt chi
Các nhà khoa học vừa phát hiện một bộ xương người có niên đại 31.000 năm ở Borneo, Indonesia, người bị cắt cụt bàn chân trái và đã hồi phục sau khi phẫu thuật. (Ảnh: Chụp màn hình/Tạp chí Nature)

Truyền thông đưa tin, các nhà khảo cổ học từ Australia và Indonesia đã tình cờ phát hiện ra bộ xương của một thanh niên khi đang khai quật các hang động đá vôi ở Borneo vào năm 2020. Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ, hài cốt được ước tính là 31.000 năm tuổi và người chết không rõ nguyên nhân trong độ tuổi từ 19 đến 21.

Điểm nổi bật nhất của phát hiện là hài cốt của nam thanh niên còn tương đối nguyên vẹn, ngoại trừ cẳng chân bên trái, nhưng các vết rạch ở xương chày và xương mác rất gọn gàng, chứng tỏ người đàn ông không bị mất bắp chân do tai nạn hay động vật. Thay vào đó, anh ta phải cắt cụt chi. Xương cũng không có dấu hiệu nhiễm trùng, cho thấy vết thương đã được làm sạch để khỏi bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, xương mới mọc ở vùng bị cắt cụt. Trong khi phần còn lại của hài cốt có kích thước của người lớn, các xương cụt vẫn ở kích thước trẻ em.

Các nhà nghiên cứu cho biết, bằng chứng cho thấy trước khi được chôn cất trong hang động đá vôi Liang Tebo ở phía đông tỉnh Kalimantan, Borneo, người đàn ông này đã phải cắt cụt chi vào khoảng 10 tuổi và tiếp tục sống từ 6 đến 9 năm sau cuộc phẫu thuật.

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, các bác sĩ thực hiện cắt cụt chi có thể đã sử dụng dao sắc và dao mổ làm từ đá, đồng thời phải hiểu rõ về giải phẫu, cơ và mạch máu, cũng như cách ngăn ngừa mất máu và nhiễm trùng chết người.

Tim Maloney, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith ở Úc, cho biết: “Cho đến thời điểm tương đối gần đây trong lịch sử loài người, mất máu, sốc và nhiễm trùng sau phẫu thuật là nguyên nhân chính gây ra những ca cắt cụt chi tử vong. Khám phá này ‘đã thay đổi lịch sử được biết đến của y học nhân loại ‘”.

Các nhà nghiên cứu cho biết ví dụ về việc cắt cụt này cho thấy kỹ năng phẫu thuật cao và là ví dụ sớm nhất về cắt cụt trong hồ sơ khảo cổ, làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về trí thông minh của con người thời kỳ đồ đá.

Nhóm nghiên cứu Australia cho biết, những người săn bắn hái lượm thời tiền sử này có thể đã biết về các loại cây thuốc, chẳng hạn như những cây có đặc tính kháng khuẩn, mọc trong rừng nhiệt đới Borneo.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin rằng, việc cẳng chân của người đó bị cắt bỏ không chắc là do bị trừng phạt, vì người bị cụt dường như được chăm sóc và chôn cất tốt sau khi phẫu thuật.

Maxime Aubert, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội của Đại học Griffith, cho biết: “Điều này rất quan trọng vì nó đẩy lùi nhiều năm hiểu biết của chúng ta về phẫu thuật và y học phức tạp. Họ phải hiểu về giải phẫu cơ thể người, phương pháp cầm máu, gây mê và hiểu rõ về phương pháp khử trùng, và tất cả những kiến thức đó cho đến thời cận đại mới trở thành tiêu chuẩn”.

Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng, các phương pháp y học tiên tiến đã phát triển cách đây khoảng 10.000 năm, khi loại người vẫn còn là một xã hội nông nghiệp. 100 năm trước đây, phẫu thuật cắt cụt chi đã trở thành tiêu chuẩn trong y học phương Tây. Trước khi các chất như kháng sinh được phát triển, hầu hết mọi người sẽ tử vong trong quá trình cắt cụt chi.

Trước phát hiện này, bằng chứng sớm nhất về cắt bỏ chi ở người là hài cốt 7.000 năm của một nông dân Pháp, người này đã bị cụt cẳng tay trái.

Theo The Epoch Times,

Trương Vũ Phi

Cựu TT Trump đã nhận ra dã tâm bá chủ của Trung Quốc như thế nào?