Ebola có thể “ẩn mình” 5-6 năm bên trong cơ thể một số bệnh nhân đã khỏi bệnh, đặc biệt là ở những vị trí có hoạt động miễn dịch thấp như nhãn cầu. Và đây là một điều rất nguy hiểm.

Ebola
(Ảnh minh họa: MemoryMan/Shutterstock)

Ngày 14/2 vừa qua, dịch bệnh Ebola đã lặng lẽ quay trở lại Guinea, một đất nước nhỏ bé nằm ở phía tây Châu Phi.

Cụ thể, giới chức trách địa phương đã phát hiện ra 6 người tham gia một đám tang bị mắc bệnh với các triệu chứng như sốt, đau đầu và nhức cơ giống với dịch bệnh Ebola. Kết quả là, 3 người trong số này đã dương tính với virus và 2 người trong đó đã tử vong một cách nhanh chóng.

Đây là lần đầu tiên Ebola xuất hiện trở lại ở Guinea kể từ đại dịch năm 2013-2016. Nguồn lây nhiễm đã không thể được xác định qua truy vết dịch tễ. Theo các nhà di truyền học, khi chúng ta không thể biết virus đến từ đâu qua lịch sử tiếp xúc, thì gen của virus chính là manh mối cuối cùng cho phép truy ngược lại nguồn phát tán của bệnh tật.

Kết quả phân tích RNA virus Ebola trong đợt bùng phát mới ở Guinea cho thấy nó chỉ có từ 10-12 đột biến so với chủng virus đã lây nhiễm năm 2016. Điều này khiến các nhà khoa học băn khoăn bởi với tốc độ đột biến của Ebola, đáng lẽ sau 5 năm nó phải tích lũy được ít nhất hơn 110 đột biến mới phải.

Khả năng cao là có một nhóm virus đã “âm thầm” tồn tại bên trong cơ thể của một trong số 6 bệnh nhân này. Nhóm virus đó có thể đã kìm hãm tốc độ đột biến và không gây ra sự lây nhiễm, nhưng sau đó lại tái bùng phát một cách bất ngờ.

Đó là một dấu hiệu cho thấy Ebola có thể sẽ trở thành một dịch bệnh tồn tại lâu dài“, các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo đăng trên trang Virological. “Sự bùng phát dịch bệnh ở Guinea trong năm 2021 có thể bắt nguồn từ một người đã quan hệ tình dục với một bệnh nhân Ebola đã khỏi bệnh từ 5 năm trước”.

Virus Ebola được biết là loại virus có thể tồn tại bên trong cơ thể một số bệnh nhân khỏi bệnh, đặc biệt là ở những vị trí có hoạt động miễn dịch thấp như tinh hoàn hoặc nhãn cầu. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016 đã báo cáo sự trở lại của virus Ebola xuất hiện trong tinh dịch của một người đã khỏi bệnh hơn 500 ngày. Dẫu vậy, phát hiện mới cho thấy khoảng thời gian này có thể kéo dài tới 5 năm và điều này đã gây kinh ngạc cho nhiều nhà virus học cũng như chuyên gia y tế công cộng.

Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Georgetown cho hay: “Điều này khá là sốc. Ebolavirus không phải là herpesvirus – những chủng virus được biết đến với khả năng lây nhiễm lâu dài – và nhìn chung, virus RNA không thích cư trú quanh quẩn bên trong một vật chủ mà không tái tạo một chút nào”.

Điều đó nói lên rằng đại dịch Ebola có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, hoặc vào lúc con người không cảnh giác nhất. Phát hiện này cũng khiến bản thân những bệnh nhân đã từng nhiễm Ebola được công nhận khỏi bệnh cảm thấy lo lắng. Bên cạnh đó, một số người có thể đã từng mắc Ebola ở mức độ nhẹ mà không nhận ra điều này. Đặc biệt, ở nhiều nơi các bệnh nhân nhiễm Ebola đã khỏi bệnh sẽ đối mặt với sự kỳ thị khi ra ngoài cộng đồng.

Trong đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi xảy ra vào năm 2013-2016, có hơn 28.000 người đã bị nhiễm virus và hơn 11.000 người đã tử vong. Đây là đợt bùng phát Ebola lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh và thiệt mạng đều ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Dịch bệnh được cho là đã bắt đầu từ một cậu bé mới 18 tháng tuổi và mắc bệnh từ tháng 12/2013. Có thông tin đồn đoán cho rằng virus khiến cậu bé nhiễm bệnh xuất phát từ loài dơi.

Đợt bùng phát Ebola mới diễn ra vào ngày 14/2/2021 đã khiến cho ít nhất 18 người bị nhiễm bệnh và 9 người thiệt mạng. Các nỗ lực tiêm chủng vẫn đang được tiến hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: