Ngày 14/5, San Francisco đã trở thành thành phố đầu tiên của nước Mỹ cấm hoàn toàn các cơ sở chính phủ và lực lượng an ninh địa phương sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

nhan dien khuon mat
(Ảnh: Shutterstock)

Dù quy định này vẫn còn khá giới hạn, chỉ áp dụng cho các cơ quan cấp thành phố ví dụ như cảnh sát San Francisco, nó sẽ theo dõi sát sao việc triển khai bất cứ loại công nghệ giám sát nào trong tương lai.

Được gọi là Quy định giám sát tối mật, dự luật này gồm 2 đề xuất chính.

Thứ nhất là cấm tiệt tất cả các cơ quan quản lý địa phương sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. San Francisco là thành phố đầu tiên của Mỹ áp dụng mạnh tay như vậy, mặc dù ở giai đoạn này việc cấm có ý nghĩa lý thuyết nhiều hơn, bởi sở cảnh sát thành phố vẫn chưa dùng tới công nghệ này. Lệnh cấm không ảnh hưởng tới các công ty tư nhân hay những khu vực thuộc thẩm quyền liên bang trong thành phố, ví dụ như sân bay.

Theo ông Aaron Peskin, viên chức thành phố, quy định này không chỉ mang tính biểu tượng và gửi thông điệp tới toàn quốc, mà cũng muốn gửi tới các công ty công nghệ lớn có trụ sở trong thành phố này.

Tôi cho rằng một phần bởi San Francisco là đầu não của giới công nghệ, trong thực tế và trong nhận thức của mọi người, các nhà lập pháp tại đây cũng có trách nhiệm,” ông Peskin nói. “Chúng tôi có trách nhiệm lớn hơn trong việc điều chỉnh chính xác các công nghệ quá đà bởi vì trụ sở của họ đặt tại đây.”

Đề xuất thứ 2 trong Quy định giám sát tối mật đặt ra khung quản lý trong vấn đề minh bạch và triển khai tất cả công nghệ giám sát. Điều này yêu cầu các cơ quan chính phủ và hành pháp phải được Ủy ban giám sát thành phố phê duyệt trước khi triển khai công nghệ giám sát. Đề xuất thứ 2 này áp dụng cho mọi thứ từ camera trang bị cho cảnh sát tới máy đọc biển số tự động, các phần mềm dự báo của cảnh sát và các hệ thống giám sát sinh trắc học.

Quy định mới của San Francisco cũng tương đồng với một dự án đang triển khai có tên “Cộng đồng Kiểm soát Giám sát của Cảnh sát” (CCOPS) của Liên đoàn Tự do Công dân Mỹ. Dự án này đã được thực hiện từ năm 2016 để cho phép công chúng kiểm tra và xem xét những công nghệ nào đang được cơ quan hành pháp địa phương sử dụng. Cho tới nay, có hơn 10 hội đồng thành phố ở Mỹ đã phê duyệt CCOPS và hàng chục nơi khác đang xem xét thông qua.

Tuy quy định mới này của San Francisco vẫn còn nhiều giới hạn, nó có thể cho thấy những công nghệ nhận diện này đã lan rộng tới đâu. Việc các cơ quan hành pháp của Mỹ sử dụng nhận diện khuôn mặt đang bùng nổ, với ước tính quy mô thị trường lên tới hơn 130 triệu USD năm 2018.

>> Trung Quốc dùng nhận dạng khuôn mặt để giám sát “nhóm người nhạy cảm”

Một vài nhà ủng hộ quyền riêng tư đã kêu gọi sở cảnh sát cho biết hệ thống giám sát họ đang dùng, nhưng thất bại. Và cảnh sát sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng không cần phải tiết lộ điều này trước tòa.

Đã có các lo ngại rằng những công nghệ nhận diện khuôn mặt này đang được triển khai trong bí mật và không có ai giám sát, nó có tiềm năng bị chính phủ lạm dụng và đẩy nước Mỹ theo hướng người dân bị giám sát quá mức.

Một số chuyên gia cho biết rất khó xác định công nghệ nhận diện khuôn mặt đã lan rộng tới mức nào ở Mỹ. “Cơ bản mà nói, chính phủ và các công ty rất kín tiếng về nơi họ sử dụng, nên công chúng cơ bản là không biết về trạng thái mà họ bị giám sát,” Matt Cagle, luật sư của Liên đoàn Tự do Công dân Mỹ, cho biết.

Theo NewAtlas, NYT,
Phong Trần tổng hợp