Mới đây, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng thành công thêm 46 vệ tinh Internet Starlink lên quỹ đạo.

Internet Starlink
(Ảnh minh họa: Aleksandr Kukharskiy/Shutterstock)

Cụ thể, một tên lửa Falcon 9 mang theo những vệ tinh này đã được phóng từ Tổ hợp phóng không gian 4 Ease tại Căn cứ Không quân Vandenberg, tiểu bang California (Mỹ) vào lúc 18h39′ (giờ Thái Bình Dương) ngày 10/7. Sau vụ phóng, SpaceX xác nhận các vệ tinh Starlink đã được triển khai.

Theo hãng SpaceX, các vệ tinh Starlink sẽ cung cấp Internet băng thông rộng tốc độ cao cho các địa điểm mà kết nối Internet không ổn định, chi phí đắt hoặc hoàn toàn không có kết nối.

Trước đó, hôm 20/4, liên doanh sản xuất vệ tinh gồm dự án Starlink của SpaceX, dự án Kuiper của Tập đoàn thương mại điện tử Amazon và các công ty chế tạo vệ tinh khác đã giành được các hợp đồng với tổng trị giá 278,5 triệu USD của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để đưa các vệ tinh viễn thông lên vũ trụ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh NASA có kế hoạch thay thế hệ thống vệ tinh hiện tại của cơ quan này trên quỹ đạo bằng hệ thống vệ tinh do các công ty tư nhân xây dựng.

Dự án Starlink của SpaceX hiện có hàng nghìn khách hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi Amazon đang đặt mục tiêu phóng 2 vệ tinh viễn thông nguyên mẫu đầu tiên vào cuối năm nay.

SpaceX đang phát triển mạng internet vệ tinh Starlink để cung cấp khả năng truy cập Internet vệ tinh băng thông rộng trên khắp thế giới. Công ty hy vọng tốc độ của hệ thống này sẽ đạt 1Gbps, phù hợp với tiêu chuẩn 5G. Kể từ tháng 5/2019, hơn 2,5 nghìn vệ tinh Starlink đã được phóng lên quỹ đạo để phục vụ việc xây dựng hệ thống này.

Phan Anh

Vì sao Trung Quốc bị ám ảnh với việc “thống nhất Đài Loan”?