Ngày 27/12, tờ New York Times thông báo họ đã nhận được một tài liệu nội bộ của Facebook, tiết lộ cách mạng xã hội này đang giám sát nội dung đăng tải trên đó. Tài liệu gồm hơn 1400 trang PowerPoint và bảng tính “đôi khi có phần vụng về” chỉ dẫn cho hàng nghìn kiểm soát viên những gì có thể cho phép và những gì cần được xóa.

Facebook kiểm soát ngôn luận trên khắp thế giới
(Ảnh: Shutterstock)

“Vai trò của Facebook đã trở nên quá bá chủ, quá độc quyền, tới mức trở thành áp lực cho chính nó,” nhà nghiên cứu chính trị Jasmin Mujanovic cho biết. “Không có tổ chức nào, nhất là công ty cổ phần theo đuổi lợi nhuận như Facebook, nên có loại sức mạnh gây ảnh hưởng tới công luận và chính sách như vậy.”

Thế khó của Facebook

Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang thu về khoảng 5 tỷ USD lợi nhuận mỗi quý, vừa phải cho công chúng thấy họ rất nghiêm túc trong việc loại bỏ nội dung có hại, vừa phải tiếp tục thu hút thêm người dùng, mở rộng tới các quốc gia mới và giữ chân người ta ở trên trang lâu hơn.

Làm sao Facebook có thể giám sát hàng tỷ bài đăng mỗi ngày, ở trên 100 ngôn ngữ mà vẫn không cản trở sự tăng trưởng bất tận mà hãng luôn mong muốn? Giải pháp là một mạng lưới nhân công được chỉ dẫn bởi một tập tài liệu dày cộm quy định chi tiết những điều cấm.

Mỗi sáng thứ 3 hàng tuần, vài chục nhân viên Facebook tập trung lại để đề ra các quy tắc – quyết định xem 2 tỷ người dùng trên mạng xã hội này được phép nói những gì. Những nhân viên này đa phần là kỹ sư và luật sư, cố gắng biến những vấn đề rất phức tạp thành các quy tắc đơn giản có-hoặc-không.

Kết quả các cuộc họp này được truyền lại cho hơn 15.000 kiểm soát viên trên khắp thế giới – đa phần là những nhân viên phổ thông, nhiều người được tuyển về từ các tổng đài hỗ trợ khách hàng.

Facebook kiểm soát ngôn luận trên khắp thế giới
Facebook kỹ lưỡng tới mức chỉ dẫn chi tiết rằng các biểu tượng cảm xúc cũng có thể ngụ ý kích động bạo lực hay thù ghét (ảnh: NY Times chụp tài liệu Facebook)

Mớ bòng bong

Các kiểm soát viên tiết lộ với báo Times dưới điều kiện ẩn danh, họ cho biết cảm thấy rất bó buộc trong bộ quy tắc cực kỳ phức tạp của mạng xã hội này, mà lại bị ép phải ra quyết định cực nhanh, đôi khi chỉ có thể dịch qua Google Translate đối với các chủ đề khó nhằn như khủng bố hay bạo lực phe phái.

“Bạn cảm thấy như mình có thể giết ai đó nếu không hành động,” một kiểm soát viên chia sẻ.

Việc Facebook đang làm đã biến hãng thành một “quan tòa trong vấn đề ngôn luận toàn cầu, quyền lực hơn nhiều so với người ta vẫn nghĩ và chính công ty thừa nhận,” báo Times nhận định.

Núi công việc

Facebook cho biết các kiểm soát viên có dư dả thời gian để kiểm tra các bài đăng, và không có hạn mức năng suất. Còn các kiểm soát viên lại nói rằng họ phải chịu áp lực kiểm tra khoảng 1000 tin mỗi ngày, tức chỉ có 8-10 giây để xem mỗi tin, còn với video thì lâu hơn.

Một kiểm soát viên cho biết văn phòng của họ có quy tắc chung là nếu không có ai ngay lúc đó đọc được loại ngôn ngữ của bài đăng, thì có thể duyệt chấp thuận cho bài đó. Cách làm việc này rất có thể đã dẫn tới các vụ bạo lực ở Sri Lanka và cuộc diệt chủng ở Myanmar khi mà các tin kích động giết người thiểu số vẫn được xuất hiện trong thời gian dài trên Facebook.

ti nan rohingya
Người Hồi giáo Rohinya tị nạn ở Bangladesh (Ảnh: Shutterstock)

>> Quân đội Myanmar dùng Facebook để loan tin giả, kích hoạt thảm sát người Rohingya

“Rất nhiều sai lầm”

Một giám đốc điều hành của Facebook phản bác lại thông tin rằng việc kiểm soát thông tin của Facebook là mập mờ hay thiếu tổ chức, nói rằng nền tảng mạng xã hội này có trách nhiệm kiểm sát nội dung người dùng đưa lên và đang nỗ lực để làm tốt.

“Chúng tôi có hàng tỷ bài đăng mỗi ngày, chúng tôi đang tìm ra ngày càng nhiều những vi phạm trên hệ thống công nghệ của mình,” trưởng bộ phận quản lý chính sách toàn câu Monika Bickert phát biểu với tờ New York Times. “Với quy mô đó, ngay cả khi bạn chính xác 99%, bạn vẫn sẽ mắc rất nhiều lỗi.”

Theo New York Times,
Sơn Vũ