Việc Taliban nhanh chóng tiếp quản Afghanistan đã đặt ra thách thức mới cho các Big Tech (hãng công nghệ lớn) trong việc xử lý nội dung của một nhóm bị nhiều chính phủ coi là tổ chức khủng bố.

Taliban
(Ảnh minh họa: Ascannio/Shutterstock)

Hôm 16/8 vừa qua, gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook đã xác nhận rằng họ chỉ định Taliban là một nhóm khủng bố và cấm tổ chức này cũng như nội dung ủng hộ Taliban khỏi các nền tảng của mình.

Tuy nhiên, các thành viên thuộc Taliban được cho vẫn tiếp tục sử dụng WhatsApp, dịch vụ nhắn tin được mã hóa đầu cuối của Facebook, để liên lạc trực tiếp với người Afghanistan bất chấp việc bị hãng công nghệ Mỹ cấm theo các quy tắc chống lại những tổ chức nguy hiểm.

Người phát ngôn của Facebook cho hay rằng công ty đang theo dõi một cách chặt chẽ tình hình trong nước và WhatsApp sẽ thực hiện hành động với bất kỳ tài khoản nào bị phát hiện có liên kết với các tổ chức bị trừng phạt ở Afghanistan, trong đó có thể bao gồm việc xóa tài khoản.

Trên Twitter, các phát ngôn viên của Taliban với hàng trăm nghìn người theo dõi đã cập nhật thông qua các bài đăng trong quá trình tiếp quản Afghanistan.

Khi được hỏi về việc Taliban sử dụng nền tảng này, Twitter đã chỉ ra các chính sách chống lại các tổ chức bạo lực và thực hiện hành vi thù địch nhưng không trả lời các câu hỏi từ hãng tin Reuters về cách thức họ phân loại nhóm đối tượng trên. Các quy tắc của Twitter không cho phép những nhóm cổ xúy việc khủng bố hoặc bạo lực chống lại dân thường.

Sự trở lại của Taliban đã làm dấy lên mối lo ngại rằng họ sẽ đàn áp quyền tự do ngôn luận và nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ, và Afghanistan có thể một lần nữa trở thành nơi ẩn náu của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Trong năm 2021, các công ty truyền thông xã hội lớn đã đưa ra các quyết định quan trọng về việc xử lý các nhà lãnh đạo thế giới đang tại vị và các tổ chức nắm quyền, trong đó có các lệnh cấm gây tranh cãi nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump khi cho rằng ông đã kích động bạo lực xung quanh cuộc bạo động ở Điện Capitol hôm 6/1 và lệnh cấm quân đội Myanmar trong bối cảnh nước này xảy ra đảo chính.

Bị chỉ trích bởi các nhà lập pháp và cơ quan quản lý toàn cầu do ảnh hưởng quá lớn về mặt kinh tế, chính trị, các Big Tech thường phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nước hoặc sự công nhận chính thức từ quốc tế để xác định ai được phép truy cập trang web.

Những điều này cũng giúp xác định xem ai có thể được xác minh, được phép sử dụng tài khoản chính thức của nhà nước, hoặc có thể nhận được sự đối xử đặc biệt với phát ngôn vi phạm quy tắc do tính đáng tin cậy (newsworthiness) hoặc lỗ hổng về lợi ích công cộng (public interest loopholes). Tuy nhiên, việc khác biệt trong quan điểm giữa các công ty công nghệ cho thấy sự không đồng nhất trong cách tiếp cận.

Khi được hỏi liệu có lệnh cấm hoặc hạn chế với Taliban hay không, YouTube đã từ chối bình luận nhưng cho biết dịch vụ chia sẻ video này dựa vào các chính phủ để xác định Tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO) nhằm hướng dẫn việc thực thi các quy tắc của mình chống lại các nhóm tội phạm bạo lực.

YouTube đã chỉ ra danh sách FTO của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng Taliban không có mặt trong đó. Tuy nhiên, Mỹ đã phân loại Taliban là “Kẻ khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt”, đóng băng tài sản liên quan đến Mỹ của những người bị đưa vào danh sách đen và cấm người Mỹ làm việc với họ.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa, dù cho hầu hết các quốc gia không cho thấy nhiều tín hiệu công nhận Taliban về mặt ngoại giao, nhưng vị thế của tổ chức này trên trường thế giới có thể sẽ thay đổi một khi họ củng cố quyền kiểm soát.

Theo Reuters,

Phan Anh

Xem thêm: