Nếu vấn nạn rùa biển bị mắc ống hút trong lỗ mũi, hay những con chim biển với dạ dày đầy rác cũng không đủ để đánh thức sự quan tâm của con người về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương, thì nay thêm một loài sinh vật đã trở thành nạn nhân mới nhất của những đợt rác vô tận đang dạt vào bờ biển chúng ta mỗi ngày – ốc mượn hồn.

5123997614 351d1e684e b image
(Ảnh: Howland Island NWR and hermit crab – USFWS)

Ốc mượn hồn (còn gọi là cua ẩn sĩ) thường được bắt gặp với hình ảnh những con cua nhỏ dễ thương thỉnh thoảng hay ló ra khỏi các vỏ sò biển. Sinh vật này được mệnh danh là loài giáp xác đáng yêu nhất hành tinh bởi chính nhược điểm của chúng: ốc mượn hồn không được sinh ra với chiếc vỏ của riêng mình. Thay vào đó, chúng cư trú trong vỏ của những sinh vật khác – thường là ốc biển.

Theo thống kê, trong số 850 loài ốc mượn hồn được phát hiện, không một loài nào có khả năng tự tạo ra vỏ, do đó những sinh vật này phụ thuộc hoàn toàn vào các động vật khác. Sau khi những chiếc vỏ bị cư dân ban đầu của chúng bỏ lại, thường là khi những con vật này chết đi, ốc mượn hồn sẽ đến để tiếp quản “ngôi nhà mới”. 

hermit crab 2062460 1280 image
(Ảnh: Dr. Georg Wietschorke từ Pixabay)

Tuy nhiên, loài cua ẩn sĩ này phát triển rất nhanh, chẳng bao lâu, những chiếc vỏ lại không vừa vặn nữa và chúng phải đổi sang những cái mới hơn và to hơn. Nhưng thực tế vỏ tốt lại rất hiếm và không hề dễ để tìm được một ngôi nhà như ý mà không bị một con cua khác chiếm đóng trước.

766px Caribbean hermit crab image
(Ảnh: ZooFari – wikimedia)

Do đó, không có gì quá ngạc nhiên khi các nhà khoa học phát hiện rằng, ốc mượn hồn bị ám ảnh bởi việc săn vỏ, chúng liên tục tìm kiếm những ngôi nhà mới để đáp ứng sự phát triển của mình.

Tập quán tự nhiên này sẽ không có gì nguy hiểm nếu giờ đây chúng ta không chứng kiến một hiện tượng rằng rác thải nhựa tích tụ trong các đại dương và dọc theo các bờ biển đang càng ngày càng tăng với số lượng đáng sợ. Việc này gây nên một xu hướng đáng lo ngại trong hành vi trao đổi vỏ của ốc mượn hồn: chúng đang lầm tưởng và đi săn những chiếc vỏ nhựa thay vì vỏ ốc, để dẫn đến hậu quả đau lòng.

image 2 image
Ảnh: Shawn Miller
image 3 image
Ảnh: Shawn Miller

Đây chỉ là một trong những nghiên cứu gây sốc về rác thải nhựa ở Quần đảo Cocos (Keeling) – một quần đảo xa xôi tại Ấn Độ Dương. Dù vị trí đã rất biệt lập, các nhà khoa học lại phát hiện rằng những hòn đảo này “thực sự chìm trong nhựa”: chính xác là chìm trong 414 triệu mảnh vật liệu tổng hợp.

Cocos Keeling Islands 2017 43 image
Đảo Cocos (Keeling) (Ảnh:paullymac – wikimedia)

Khi các nhà nghiên cứu xới qua đống rác, họ bắt đầu nhận thấy một sự thật đáng sợ khác: những con ốc mượn hồn bị chết liên tục rơi ra khỏi các chai nhựa.

Không khó để hiểu những gì đã xảy ra. Ốc mượn hồn được sinh ra với bản năng phát hiện những vật thể có kẽ hở hoặc lỗ nhỏ trong quá trình liên tục tìm nhà mới của chúng. Tuy nhiên chúng không thể nào phân biệt được đâu là một chiếc chai nhựa nhân tạo và đâu là một chiếc vỏ ốc thật. Khi hòn đảo chìm trong rác thải, những con cua “khờ khạo” đã bò vào trong những “ngôi mộ nhựa” để rồi không thể trèo ra khỏi lớp vỏ trơn trượt, không tự nhiên, sau cùng bị mắc kẹt và chết trong đó. 

Vấn đề lại càng tồi tệ hơn khi ốc mượn hồn còn có một bản năng khác. Khi chết, chúng sẽ phát ra một loại tín hiệu hóa học để báo với đồng loại rằng chiếc vỏ của chúng đã bị bỏ trống. Vì thế, những chiếc chai nhựa lại càng trở nên lôi cuốn hơn và lượng cua bị chôn trong đó càng ngày càng tăng. 

image 1 image
Ảnh: Shawn Miller
5123997614 351d1e684e b 1 image
Ảnh:Shawn Miller

Alex Bond – nhà phụ trách Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn (London’s Natural History Museum), cũng đồng thời là người hỗ trợ nghiên cứu dự án cua ẩn sĩ cho biết: “Đây không hoàn toàn là một hiệu ứng domino. Nó gần giống như một trận tuyết lở hơn.” Lũ ốc mượn hồn sau khi chui vào những chiếc chai nhựa này nghĩ rằng chúng sẽ có ngôi nhà tiếp theo. Trong thực tế, đó là ngôi nhà cuối cùng của chúng.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, chỉ riêng quần đảo Cocos (bao gồm 27 hòn đảo) đã có 570.000 con cua ẩn sĩ bị chết theo cách này. Tuy nhiên đây là những hòn đảo rất nhỏ do đó cỡ mẫu của nghiên cứu cũng tương đối nhỏ. Hãy tưởng tượng xem, con số sẽ trở thành khổng lồ như thế nào nếu nghiên cứu này được triển khai với tất cả các quần thể cua ẩn sĩ trên thế giới.

Ngay bây giờ vẫn còn quá sớm để có con số chính xác về độ sụt giảm số lượng ốc mượn hồn trên phạm vi rộng. Nhưng Jennifer – người đứng đầu nhóm nghiên cứu đã có thể kết luận rằng: “Việc nhất định phải loại bỏ rác thải nhựa khỏi bãi biển không chỉ vì chúng khó coi mà vì chúng còn có khả năng gây hại rất lớn cho quần thể cua ẩn sĩ.”

Đỗ Hoàng (tổng hợp)