Thuốc kháng virus được xem là niềm hy vọng tiếp theo của nhân loại trong việc chống lại đại dịch COVID-19, có thể giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong.

COVID-19
(Ảnh minh họa: eamesBot/Shutterstock)

Chỉ 1 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, Miranda Kelly bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Ở tuổi 44, cô mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Triệu chứng nghiêm trọng đến mức cô phải vào phòng cấp cứu. Chồng cô, Joe, cũng mắc bệnh. Điều này làm Kelly lo lắng về 5 đứa con ở nhà.

“Tôi đã cầu xin Chúa cho chúng tôi không phải dùng máy thở. Chúng tôi còn con cái, ai sẽ chăm sóc chúng đây”, cô chia sẻ.

Sau đó, Kelly và chồng đã đồng ý tham gia đợt thử nghiệm một loại thuốc điều trị COVID-19 mới. Họ được cho uống thuốc 2 lần/ngày. Dù không được biết mình uống thuốc thật hay giả dược, họ cảm thấy ổn lên sau 1 tuần. Kết quả là, họ đã bình phục 2 tuần sau đó.

“Không chỉ có khả năng rút ngắn các triệu chứng COVID-19, các loại thuốc uống kháng virus có thể giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho thành viên trong gia đình”, nhà virus học Timothy Sheahan, một trong những người tiên phong trong liệu pháp điều trị này, cho biết.

Thuốc kháng virus có thể tăng cường hệ miễn dịch, ngăn virus tấn công tế bào khỏe mạnh và giảm hàm lượng virus trong cơ thể.

Hiện có ít nhất 3 loại thuốc kháng virus đang được thử nghiệm. Ứng viên đang dẫn đầu là sản phẩm có tên Molnupiravir của Merck & Co. và Ridgeback Biotherapeutics. Đây có thể là loại thuốc mà vợ chồng Kelly đã sử dụng. Hai ứng viên còn lại là PF-07321332 của Pfizer và fAT-527 của Roche và Atea Pharmaceuticals.

Hiệu quả của các loại thuốc này đến từ khả năng ngăn chặn virus sinh sôi trong tế bào của con người. Cụ thể, Molnupiravir khiến enzyme sao chép vật liệu di truyền của virus gặp lỗi. Nhờ đó, tải lượng virus trong cơ thể bệnh nhân sẽ suy giảm, làm giảm thời gian nhiễm bệnh và ngăn chặn phản ứng miễn dịch gây bệnh nặng hay tử vong.

Molnupiravir đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ III. Dữ liệu dự kiến sẽ có trong những tuần tới. Hãng dược Merck hy vọng Molnupiravir sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp trước khi hết năm 2021.

Tính đến nay, Remdesivir là loại thuốc kháng virus duy nhất được phê duyệt để điều trị COVID-19. Tuy vậy, loại thuốc này chỉ được dùng để tiêm tĩnh mạch cho các bệnh nhân nặng và chưa có khả năng được sử dụng trên diện rộng, trong khi cả 3 ứng viên đang thử nghiệm đều ở dạng viên uống.

“Nếu kết quả tích cực và những loại thuốc nào được cấp phép khẩn cấp sẽ sớm được phân phối”, tiến sĩ Carl Dieffenbach, giám đốc bộ phận về AIDS thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, người có nhiệm vụ giám sát các loại thuốc chống virus, cho biết.

Một khi điều này trở thành hiện thực, hàng triệu người sẽ sớm có cơ hội tiếp cận với loại thuốc uống đặc biệt này trong khoảng thời gian từ 5-10 ngày sau khi có kết quả dương tính với COVID-19.

Từ chỗ ít được quan tâm, lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng dược phẩm.

Hồi tháng 6, Mỹ tuyên bố sẽ mua 1,7 triệu liệu trình thuốc với giá 1,2 tỷ USD nếu Molnupiravir được cấp phép. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố đầu tư 3,2 tỷ USD vào chương trình sản xuất thuốc chống virus nằm ứng phó với COVID-19 và các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 tái khởi động những nỗ lực phát triển thuốc điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona. Chúng từng được thực hiện sau đợt dịch SARS năm 2003 và MERS năm 2012, nhưng đã bị từ bỏ do ít có tiềm năng về mặt thương mại.

Bên cạnh thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng cũng được sử dụng để chữa trị bệnh nhân COVID-19. Kháng thể đơn dòng dễ phát triển hơn thuốc kháng virus nhưng chủ yếu được tiêm qua đường tĩnh mạch.

Trên thực tế, việc phát triển các loại thuốc kháng virus đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người thử nghiệm. Người tham gia phải chưa tiêm vắc-xin và tham gia thí nghiệm trong vòng 5 ngày kể từ khi có kết quả dương tính với COVID-19.

Mỗi ngày, các thực tập sinh tham gia hỗ trợ thử nghiệm thuốc Molnupiravir gọi điện cho khoảng 100 người mới mắc COVID-19 tại khu vực xung quanh thành phố Seattle, Mỹ. Hầu hết bệnh nhân từ chối tham gia thử nghiệm.

“Nói chung, có nhiều nghi ngờ đối với quy trình khoa học”, tiến sĩ Elizabeth Duke, người tham gia giám sát quá trình thử nghiệm, cho hay. “Một số người còn nói những lời khó nghe với các thực tập sinh”.

Nếu thuốc kháng virus dạng viên được cấp phép, thách thức tiếp theo sẽ là thiết lập hệ thống phân phối để đưa thuốc đến tay người mắc bệnh. Các quan chức của Merck dự đoán họ có thể sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay.

Theo NBC News,

Phan Anh

Xem thêm: