Có rất nhiều thứ có thể rơi từ trên trời xuống như mưa, tuyết, mưa đá, thậm chí là chim, và đôi khi là sóc. Nhưng khi nó là một tiểu hành tinh thì lại không còn là chuyện nhỏ. NASA đã thông báo không chỉ 1 mà có 2 tiểu hành tinh đã bay ngang qua Trái Đất trong tuần này, khiến người ta phải chú ý. Một số thông tin chúng ta nên quan tâm, đó là:

Khoảng cách gần nhất của chúng tới Trái Đất là bao nhiêu?

Một tiểu hành tinh tên là 2018 CC đã bay qua Trái Đất vào hôm 6/2 vừa rồi ở độ cao 184.000 km, cái thứ hai tên là 2018 CB đã bay qua Trái Đất vào sáng sớm ngày 10/2 vào lúc 5:30 sáng (giờ Hà Nội). Khoảng cách gần nhất là 64.000 km, chỉ bằng 16% khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất (384.472 km). Tuy khoảng cách đó là rất gần nhưng tiểu hành tinh này không tiếp xúc với bầu khí quyển Trái Đất. NASA đã dự đoán trước được điều này.

Asteroid JPL
Mô phỏng tiểu hành tinh 2018 CB bay ngang qua Trái Đất. (Ảnh: JPL)

Nhưng vì sao họ lại chỉ phát hiện ra điều này 4 ngày trước?

Nói ngắn gọn, thời gian để quan sát tiểu hành tinh và sao chổi là khá lớn, và các kính thiên văn trên mặt đất dùng để theo dõi chúng chỉ có thể dùng được vào ban đêm khi bầu trời quang đãng.

Theo trang web của NASA, ngay sau khi phát hiện ra những vật thể gần Trái Đất, họ sẽ dự đoán quỹ đạo dựa trên những quan sát ban đầu, sau đó phải mất từ một tuần đến một tháng để xây dựng một mô hình hợp lý. Vì vậy, khi chỉ trong chưa đến 1 tuần sau khi phát hiện, NASA đã có thể khẳng định 2018 CC và 2018 CB sẽ không va vào Trái Đất, thì đó là một thành công ấn tượng.

Chúng ta phải làm gì nếu tiểu hành tinh rơi xuống Trái Đất?

thien thach
(ảnh: Shutterstock)

Ở Việt Nam, chúng ta khó có thể làm được gì, nhưng Chính phủ Mỹ có một cơ chế để xử lý các nguy cơ theo từng trường hợp một. Văn phòng Điều phối Phòng ngự Hành tinh của NASA ở Washington, D.C chịu trách nhiệm phát hiện những vật thể có mối nguy hiểm tiềm năng, theo dõi chúng, cung cấp thông tin chuẩn từng phút, và phối hợp với Chính phủ Mỹ để lên kế hoạch để đối phó với những nguy cơ thực sự.

Nhưng có một điều mà chúng ta không thể làm, đó là bắn vào tiểu hành tinh để phá hủy nó. Theo mục câu hỏi thường gặp của NASA, “không có loại vũ khí nào hiện nay có thể dừng nó lại vì vận tốc của nó là quá lớn, hơn 19 km/s.”

Liệu sẽ có tiểu hành tinh nào sẽ va vào Trái Đất không?

Nhiều khả năng là không. Một trong một số tiểu hành tinh có thể va vào Trái Đất là Bennu, và Trung tâm Nghiên cứu các Vật thể gần Trái Đất của NASA dự đoán nó sẽ chỉ tiến đến gần Trái Đất một lần nữa vào năm 2135. Hướng chuyển động của Bennu có thể thay đổi và chỉ va vào Trái Đất trong khoảng từ năm 2175 đến năm 2199. Chỉ có khả năng 0,037% va chạm sẽ xảy ra. Nói cách khác, hơn 99% là sẽ không có va chạm.

>>Có UFO thật hay không? Những nghiên cứu âm thầm của giới thiên văn vài trăm năm nay

Tháng 9 năm 2016, NASA đã phóng con tàu mang tên OSIRIS-REx, một máy thăm dò dự kiến sẽ đến Bennu vào năm 2018 và quay trở lại Trái Đất vào năm 2023 với một số mẫu đất đá lấy từ tiểu hành tinh này. Các nhà khoa học sẽ dùng thông tin thu thập được để cập nhật những dự đoán của họ.

Nói tóm lại, mặt dù 2018 CB đã bay sượt qua Trái Đất và tương lai có thể sẽ có những cái khác nữa nhưng đó là tương lai rất xa và chúng ta vẫn chưa có gì phải lo lắng.

Theo Futurism
Thành Đô

Xem thêm: