Các đảng viên Dân chủ kêu gọi các Big Tech (hãng công nghệ lớn) tăng cường việc kiểm duyệt trực tuyến, nếu không sẽ phải đối mặt sự “điều tiết” của chính phủ trong phiên điều trần quốc hội diễn ra vào ngày 25/3, với sự tham gia của các giám đốc điều hành Facebook, Google và Twitter.

dân chủ
(Ảnh minh họa: Ascannio/Shutterstock)

Các nhà lập pháp cho biết rằng những nền tảng này chứa đầy những “thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan” nhưng không chịu thực hiện việc kiểm duyệt chúng.

Dân biểu Mike Doyle (đảng Dân chủ, tiểu bang Pennsylvania), Chủ tịch Tiểu ban Hạ viện về Truyền thông và Công nghệ, người chủ trì phiên điều trần, cho hay: “Quốc gia của chúng ta đang chìm trong những thông tin sai lệch do truyền thông xã hội thúc đẩy.”

“Theo cách tôi thấy, mỗi nền tảng của các vị đều có 2 mặt,” ông phát biểu trong tuyên bố mở đầu của mình. “Facebook có sự tham của gia đình và bạn bè, nhưng nó cũng có sự tham gia của những đối tượng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng.”

“YouTube là nơi mọi người chia sẻ những video kỳ quặc, ở ngoài kia, những người phản đối việc tiêm vắc-xin, những người phủ nhận COVID-19, những người ủng hộ Qanon và những người theo tin rằng trái đất có dạng phẳng cũng đang chia sẻ video.”

“Twitter cho phép bạn đưa bạn bè và những người nổi tiếng vào ngôi nhà của mình, nhưng cũng có những kẻ phủ nhận vụ diệt chủng Holocaust và những kẻ khủng bố, và còn tệ hơn nữa.”

Theo quy định của Hiến pháp, Doyle không thể cấm những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng hoặc bất kỳ ai khác tổ chức các cuộc biểu tình, cũng như ông không thể ngăn người Mỹ thảo luận về việc phản đối vắc-xin, đặt ra nghi ngờ về sự tồn tại của COVID-19, căn bệnh gây ra bởi virus Trung cộng, hoặc tin rằng trái đất này có dạng phẳng.

Doyle cho biết, theo nghiên cứu, nội dung “thông tin sai lệch liên quan đến cuộc bầu cử” và “thông tin sai lệch về COVID-19” đã được phát hiện hàng tỷ lần trong những tháng qua. Ông thừa nhận rằng các nền tảng đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn nội dung, nhưng vẫn kêu gọi thực hiện điều này nhiều hơn nữa.

“Các vị có thể gỡ nội dung này xuống, các vị có thể giảm phạm vi tiếp cận, các vị có thể khắc phụ lỗi này, nhưng các vị đã lựa chọn không làm như vậy,” ông nói.

Dân biểu Frank Pallone (đảng Dân chủ, tiểu bang New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Năng lượng và Thương mại, cho biết trong tuyên bố khai mạc của mình rằng các công ty hiện cần phải tuân thủ các quy định.

Ông nói: “Rõ ràng là không phải thị trường hay áp lực dư luận sẽ buộc các công ty truyền thông xã hội này phải thực hiện hành động một cách quyết liệt mà họ cần để loại bỏ thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan khỏi nền tảng của mình.”

“Và, do đó, đã đến lúc Quốc hội và ủy ban này phải thực hiện việc lập pháp và khuyến khích các Big Tech đối phó một cách hiệu quả với thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan.”

Không rõ ông sẽ đánh giá thế nào được gọi là thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan. Văn phòng của ông đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu để biết thêm chi tiết.

Dân biểu Jan Schakowsky (đảng Dân chủ, tiểu bang Illinois), Chủ tịch Tiểu ban Hạ viện về Bảo vệ Người tiêu dùng và Thương mại, cũng đưa ra quan điểm tương tự.

“Quy định mà chúng tôi hướng đến không nên cố gắng hạn chế quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp, nhưng quy định đó phải quy trách nhiệm cho các nền tảng khi chúng được sử dụng để kích động bạo lực và thù hận – hoặc như trong trường hợp đại dịch COVID-19 – lan truyền thông tin sai lệch gây thiệt hại cho hàng nghìn sinh mệnh,” bà cho biết trong một tuyên bố.

Mặc dù việc kích động bạo lực có thể là hành vi bất hợp pháp, nhưng kích động thù địch và truyền bá thông tin sai lệch nói chung là phát ngôn được bảo vệ theo quy định của hiến pháp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến ​​khác nhau xoay quanh định nghĩa và phạm vi của những phát ngôn được cho là kích động thù địch và thông tin sai lệch.

Trong những năm gần đây, Facebook đã dựa vào những dịch vụ “fact-checker (xác minh thông tin thực tế)” có trả phí, nhưng có bằng chứng cho thấy bản thân những fact-checker này cũng cần phải được kiểm tra về tính xác thực, bởi hoạt động của họ cũng bị chi phối bởi yếu tố chính trị.

Theo Nadine Strossen, giáo sư luật và cựu chủ tịch của Công đoàn Tự do Dân sự Mỹ, các nền tảng đã cấm những “phát ngôn thù hận (hate speech)” – một tiêu chuẩn mang tính chủ quan mà không thể thực thi một cách công bằng.

Những người thuộc phe cánh tả có xu hướng gọi nhiều phát biểu khác nhau là “đáng ghét,” trong khi những người thiên hữu có xu hướng gọi những phát ngôn tương tự là “xúc phạm, nhưng không đáng ghét,” theo một cuộc khảo sát của Cato được thực hiện vào năm 2017.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: