Facebook đã cấm trang chính của nghị sĩ Craig Kelly sau các bài đăng gây tranh cãi liên quan đến COVID-19 “không phù hợp” với các hướng dẫn chính thức về sức khỏe.

Facebook
(Ảnh minh họa: fyv6561/Shutterstock)

Người phát ngôn của Facebook cho biết: “Chúng tôi không cho phép bất kỳ ai (kể cả các quan chức được bầu) chia sẻ thông tin sai lệch về COVID-19 có thể dẫn đến việc tổn thương cơ thể hoặc chia sẻ những tin kiểu như chuyên gia y tế công cộng vạch trần sự thật về vắc-xin COVID-19”.

Tuy nhiên, theo ông Kelly, Facebook đã không cung cấp thông tin liên quan đến các bài đăng dẫn đến việc tài khoản của ông bị đình chỉ.

Trước đây, ông Kelly đã đăng một số bài chia sẻ dữ liệu hoặc liên kết (đường link) dẫn đến các nghiên cứu hỗ trợ thông tin không phù hợp với những hướng dẫn y tế chính thức của Úc.

Kelly phủ nhận tuyên bố rằng các bài đăng của ông đã phát tán “thông tin sai lệch”. Ông cho biết các bài đăng của mình chỉ đưa ra các nghiên cứu được thực hiện bởi những nhà khoa học trên toàn cầu, không chỉ ở Úc.

Kelly nói với The Epoch Times rằng: “Mọi thứ tôi đã đăng hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, bằng chứng, ý kiến ​​của những người có trình độ chuyên môn cao trên khắp thế giới”.

“Tôi đã trích dẫn ý kiến của một bác sĩ hoặc chuyên gia y tế có nhận định ​​khác với một bác sĩ hoặc chuyên gia y tế khác. Điều đó không làm cho nó trở thành thông tin sai lệch, mà chỉ làm cho nó trở thành một ý kiến ​​khác mà thôi,” Kelly nói.

“Một xã hội theo chủ nghĩa phát xít và toàn trị là nơi mà một người nào đó có quan điểm khác với bạn sẽ trở thành kẻ truyền bá thông tin sai lệch.”

Mặc dù không rõ lý do cụ thể tại sao ông Kelly bị Facebook chặn, chỉ biết rằng một số bài đăng gần đây của ông có liên quan đến các báo cáo về tình trạng máu đông hiếm gặp sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, cả ở Úc và nước ngoài.

Kelly còn đăng các bài ủng hộ Ivermectin (một loại thuốc chưa được Bộ Y tế Úc chấp thuận sử dụng do không đủ bằng chứng) như một hình thức điều trị COVID-19 thay thế vắc-xin.

Theo Đại học Monash, một nghiên cứu (đã qua bình duyệt) của Úc được thực hiện vào tháng 4/2020 đã chỉ ra rằng một liều Ivermectin có thể ngăn ngừa virus corona phát triển trong nuôi cấy tế bào, nhưng không được chấp thuận do thiếu các thử nghiệm lâm sàng.

Trong một bài đăng, Kelly đã liên kết đến một trang web phân tích Ivermectin liệt kê 52 nghiên cứu (trong đó 24 nghiên cứu đã qua bình duyệt), nêu chi tiết về tác dụng của Ivermectin trong việc điều trị COVID-19 giai đoạn sớm và muộn.

Ông Kelly còn đề xuất một dự luật cấm hộ chiếu vắc-xin, với những nhận xét phản đối việc trẻ em phải đeo khẩu trang – một tuyên bố đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ giới truyền thông.

Vài tháng sau, Kelly chia sẻ một bài báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ (AIER), trong đó nói rằng YouTube đã gỡ một video liên kết với AIER có các bình luận của Giáo sư Martin Kulldorff đến từ Đại học Y khoa Harvard.

“Trẻ em không nên đeo khẩu trang,” Kulldorff nói. “Trẻ em không cần nó để bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác.”

Kelly đã rời khỏi Đảng Tự do vào tháng 2/2021 sau áp lực từ phía chính phủ do quan điểm của ông về phương pháp điều trị COVID-19 không được Bộ Y tế chấp thuận.

Ông cũng thường xuyên đăng những bài lên án tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Úc, bao gồm cả việc chỉ trích sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” cũng như các viện Khổng Tử trong những trường đại học ở Úc.

Kelly có một trong những lượng tương tác lớn nhất trên Facebook so với bất kỳ chính trị gia nào ở Úc, với khoảng 1 triệu lượt tương tác mỗi tháng.

Ông nói: “Thật kinh khủng khi một tổ chức nước ngoài như Facebook lại có thể kiểm duyệt một nghị sĩ được bầu của Úc. Một xã hội mà Facebook trở thành kẻ phân định đúng sai quả thật là một xã hội rất nguy hiểm”.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: