Nhiều người có thể chỉ bị sụt sịt mũi hoặc không xuất hiện triệu chứng, nhưng đối với một số người khác, virus corona sẽ để lại ảnh hưởng nặng nề, còn được gọi là di chứng hậu COVID-19. Một nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng ngay cả những trường hợp nhiễm bệnh thể nhẹ và không cảm thấy bị suy giảm nhận thức cũng có thể gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ và nhận thức hậu COVID-19.

hậu COVID-19
(Ảnh minh họa: peterschreiber.media/Shutterstock)

Tổn thương não hậu COVID-19

Những người nhiễm COVID-19 có thể gặp các tổn thương não từ nhẹ đến nặng như: sương mù não, suy giảm nhận thức, rối loạn ý thức, đau đầu mãn tính, viêm não hoặc đột quỵ. Theo một đánh giá của Đại học Harvard, có khoảng 22% – 32% bệnh nhân bị sương mù não (brain fog) do di chứng hậu COVID-19. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng suy nghĩ chậm chạp, uể oải, gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, chú ý. Một số trường hợp có thể suy giảm hoặc khó ghi nhớ, khó tiếp cận và xử lý thông tin gồm cả chức năng của thị giác và định hướng không gian. Ngay cả những triệu chứng rối loạn khứu giác và vị giác cũng là do những thay đổi trong chức năng thuộc hệ thần kinh.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Alzheimer & Dementia đã làm sáng tỏ cơ chế sinh lý tiềm ẩn đằng sau các vấn đề thần kinh hậu COVID-19. Cụ thể, nghiên cứu mới “Tín hiệu giống như bệnh Alzheimer trong não của bệnh nhân COVID-19” đã chỉ ra một số phát hiện đáng lo ngại:

Tấn công các thụ thể ACE2

Từ năm 2021, các nhà khoa học đã phát hiện rằng protein đột biến của virus corona liên kết với các thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào của nhiều cơ quan như: tim, phổi, thận và nội mạc mạch máu. Điều đó giải thích lý do vì sao COVID-19 gây tổn thương tại nhiều hệ thống và cơ quan và bệnh nhân có thể tử vong do suy đa tạng.

Bác sĩ tim mạch Andrew R. Marks, chủ nhiệm khoa Sinh lý và Lý sinh tế bào học thuộc Đại học Columbia ở Manhattan, đã đứng đầu nghiên cứu phân tích mô não thu thập từ 10 người tử vong do COVID-19. Trong đó có 4 phụ nữ độ tuổi từ 38 – 80 và 6 đàn ông tuổi từ 67 – 84.

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng virus corona đã kích hoạt các con đường truyền tín hiệu viêm và stress oxy hóa, dẫn đến tăng phosphoryl hóa protein “tau”. Đây là một loại protein giúp ổn định bộ khung bên trong tế bào thần kinh (neuron thần kinh) trong não. Bộ khung này gồm các ống và vi ống nối với nhau, qua đó vận chuyển nhanh chóng các chất dinh dưỡng và các chất thiết yếu cũng như tín hiệu thần kinh đi đến các phần khác nhau của neuron. Trong bệnh lý Alzheimer cũng hình thành những protein tau bất thường khiến các vi ống trong tế bào thần kinh bị rời rạc.

Não bị “rò rỉ”

Bác sĩ Marks cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng các tế bào thần kinh của bệnh nhân tử vong do COVID-19 bị giảm đáng kể calbidin, loại protein giúp đóng các kênh ion. Điều này nguy hiểm như việc một dây dẫn điện bị đoản mạch. Khi các kênh ion không được đóng, Ca2+ sẽ bị “rò rỉ” làm mất cân bằng điện tích giữa bên trong và bên ngoài màng tế bào gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Nghiên cứu đề xuất rằng bệnh lý “tau” có thể là kết quả của việc tăng phosphoryl hóa và stress oxy hóa các kênh ion. Những thay đổi bệnh lý này được xem là yếu tố quan trọng gây ra các biểu hiện thần kinh hậu COVID-19, đặc biệt là “sương mù não”. Đây có thể là mục tiêu điều trị tiềm năng để cải thiện triệu chứng thần kinh.

COVID-19 tấn công tiểu não

Những bệnh nhân Alzheimer chủ yếu gặp rối loạn protein “tau” ở các tế bào thần kinh vùng vỏ não và rất hiếm gặp ở tiểu não.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu này của Đại học Columbia, COVID-19 gây ra bệnh lý “tau” ở cả vỏ não và tiểu não. Điều này có thể giải thích phát hiện gần đây rằng 74% bệnh nhân COVID-19 nhập viện bị thiếu hụt khả năng phối hợp động tác. Theo y học, tiểu não có liên quan đến thăng bằng, định hướng không gian, phối hợp cử động, ngôn ngữ và tư thế.

Vắc-xin COVID-19 gây tổn thương thần kinh?

Các nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là tạo ra protein giống protein gai của virus corona. Chính protein gai này giúp virus gắn lên các thụ thể ACE2 của tế bào. Điều này đặt ra câu hỏi, vắc-xin có gây ra tổn thương thần kinh giống như COVID-19 không?

Stephanie Seneff, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Viện Công nghệ Massachusetts và là tác giả của cuốn sách “Di sản độc hại (Toxic Legacy)”, lo ngại rằng vắc-xin COVID-19 cũng có khả năng gây tổn thương não. Bà cho biết: “Vắc-xin tạo ra protein đột biến, là một phần của virus liên kết với các thụ thể ACE2. Tôi hoài nghi rằng điều này đồng nghĩa với việc vắc-xin cũng có thể vô hiệu hóa các thụ thể và gây ra tổn thương thần kinh tương tự”.

Bà Seneff cho hay thêm rằng tổn thương não do vắc-xin có thể phổ biến hơn do nhiễm virus. Bà giải thích: “Virus chỉ xâm nhập vào não khi một người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại. Nhưng vắc-xin được tiêm vào cơ, có nghĩa là nó sẽ vượt qua các rào cản tự nhiên mà thông thường sẽ ngăn chặn virus khỏi não”.

Vào tháng 5/2021, Stephanie Seneff và Tiến sĩ Greg Nigh, bác sĩ ung thư có trụ sở tại Portland, Oregon, đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Quốc tế về Lý thuyết, Thực hành và Nghiên cứu về vắc-xin được bình duyệt, trong đó giải thích giả thuyết của họ rằng vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA có thể tồi tệ hơn việc nhiễm COVID-19.

Kể từ đó, bà Seneff cho biết đã nghiên cứu các báo cáo về tác dụng phụ của vắc-xin trên hệ thống VAERS của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Bà nhận thấy có tới 96% các báo cáo vào năm 2021 chỉ ra các vấn đề về thần kinh liên quan đến vắc-xin COVID-19. Những biểu hiện thần kinh này bao gồm rối loạn trí nhớ, các vấn đề về khả năng vận động, khó nuốt và mất khứu giác.

Bà Seneff nói: “Thật đáng kinh ngạc, các dữ kiện cho thấy các vấn đề về thần kinh sau khi sử dụng vắc-xin COVID-19. Tôi thành thật không biết tại sao mọi người không hoàn toàn bị sốc bởi những con số này. So với các loại vắc-xin khác, những loại vắc-xin [COVID-19] này có vẻ cực kỳ nguy hiểm”.

Phan Anh

Những hình ảnh đầu tiên cho thấy soái hạm Moskva của Nga bốc cháy trước khi chìm xuống biển Đen