Nhóm chuyên gia tại Mayo Clinic mới đăng tải một nghiên cứu hôm 1/11 vừa qua trên tạp chí JAMA Internal Medicine. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên cơ sở dữ liệu về tỷ lệ rối loạn đông máu ở quận Olmsted, tiểu bang Minnesota, Mỹ, trong giai đoạn năm 2001 – 2015, trong đó tiến hành so sánh với tỷ lệ mắc bệnh trên ở những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J).

vắc-xin COVID-19
(Ảnh minh họa: Par DiZiga/Shutterstock)

Kết quả chỉ ra rằng những người tiêm vắc-xin J&J có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch não (CTST) cao hơn 3,5 lần so với nhóm còn lại. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh ở nhóm người chưa tiêm vắc-xin J&J là 2,46/100.000. Con số này ở người đã tiêm vắc-xin sau 15 ngày tăng lên đáng kể với tỷ lệ là 8,65/100.000.

Qua đó, nhóm chuyên gia kết luận rằng người tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng J&J có nguy cơ gặp phải vấn đề về rối loạn đông máu cao hơn so với dân số nói chung trước đại dịch COVID-19. Nghiên cứu này giúp bổ sung thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa chứng rối loạn đông máu hiếm gặp với vắc-xin J&J.

Giới chức trách tiểu bang Minnesota đã phải tạm dừng sử dụng loại vắc-xin này trong 10 ngày vào hồi tháng 4, sau khi nhận được báo cáo về chứng rối loạn có thể gây tình trạng tử vong, đặc biệt ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi.

Hôm 2/10 vừa qua, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã công bố kết quả phân tích cho thấy những người tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng J&J có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). EMA xếp tình trạng trên thuộc nhóm tác dụng phụ hiếm gặp khi tiêm loại vắc-xin này.

Trước đó, vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng J&J và AstraZeneca đều được cho là có liên quan đến tình trạng huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) hiếm gặp. EMA cho hay rằng tình trạng huyết khối tĩnh mạch (VTE) mới cần phải được thêm vào nội dung hiển thị trên nhãn sản phẩm vắc-xin của hãng J&J và tách biệt với TTS.

Hai loại vắc-xin J&J và AstraZeneca đều được sản xuất dựa trên công nghệ virus véc-tơ, hoạt động bằng cách dạy cho tế bào con người cách nhận biết protein tăng đột biến của virus corona. Nhờ đó, hệ miễn dịch có thể ghi nhớ và kích hoạt phản ứng khi virus xâm nhập.

Hồi giữa tháng 4, Mỹ, EU và Nam Phi đã tạm dừng việc triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng J&J sau khi ghi nhận chứng đông máu hiếm gặp. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết rằng có 6 trường hợp đông máu đã được phát hiện trong số hơn 6,8 triệu liều vắc-xin COVID-19. Khác với một số vắc-xin COVID-19 hiện nay, vắc-xin của hãng J&J chỉ có 1 liều, có thể bảo quản trong nhiệt độ tủ lạnh thông thường.

Theo Washington Times,

Phan Anh

Xem thêm: