Mới đây, nhà khoa học 38 tuổi người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) đã ra tù sau 3 năm chấp hành án phạt. Hồi năm 2019, người từng giữ chức Phó Giáo sư Đại học Khoa học Kỹ thuật Phương Nam đã bị xử tù 3 năm và phạt số tiền 3 triệu Nhân dân Tệ (khoảng 430.000 USD) do vi phạm các quy định nhà nước về nghiên cứu khoa học và điều trị y tế trong vụ “chỉnh sửa gen thai nhi”.

chỉnh sửa gen
Ông Hạ Kiến Khuê. (Ảnh: Wikimedia/CC BY 3.0)

Vụ “chỉnh sửa gen thai nhi” gây chấn động dư luận, vấp phải chỉ trích mạnh mẽ

Tháng 11/2018, cộng đồng khoa học thất kinh khi nghe ông Hạ Kiến Khuê, một khoa học gia Trung Quốc công bố sau khi qua chỉnh sửa gen, ba em bé (trong đó có một cặp song sinh nữ) được cho là có khả năng đề kháng với virus HIV bẩm sinh đã chào đời.

Ông Hạ Kiến Khuê, khi đó còn giữ chức Phó Giáo sư Đại học Khoa học Công nghệ Phương Nam, tuyên bố có được thành quả đột phá quan trọng trong công nghệ chỉnh sửa gen (Genome editing). Thông tin đã khiến cho giới học thuật và dư luận dậy sóng, sau sự việc này, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã vào cuộc điều tra.

Theo thông cáo của Nhóm điều tra tỉnh Quảng Đông hôm 21/1 cho biết, bước đầu điều tra đã hoàn tất, đồng thời nhận định ông Hạ Kiến Khuê vì “theo đuổi danh lợi cá nhân, tự xoay sở vốn, cố ý né tránh sự giám sát quản lý, tự ý thành lập nhóm” để tiến hành hoạt động chỉnh sửa phôi thai người cho mục đích sinh sản.

Nhóm điều tra cho biết, từ tháng 6/2016, ông Hạ Kiến Khuê đã tự thành lập nhóm gồm cả người nước ngoài tham gia vào công trình này, sử dụng công nghệ không chắc chắn về tính an toàn và tính hiệu quả để tiến hành hoạt động chỉnh sửa phôi thai người cho mục đích sinh sản. Tháng 3/2017 đến tháng 11/2018, Hạ Kiến Khuê và những người khác đã ngụy tạo đơn thẩm tra luân lý, chiêu mộ 8 cặp vợ chồng tình nguyện tham gia thực nghiệm (những cặp đôi này có nam dương tính với HIV, nữ âm tính với HIV), cuối cùng có 2 người tình nguyện mang thai, trong đó một người đã sinh được một cặp song sinh tên “Lulu”“Nana” (ra đời năm 2018), còn một bé khác sinh ra vào năm 2019.

Hành vi này được cho là đã vi phạm nghiêm trọng luân lý đạo đức và sự thành tín trong nghiên cứu khoa học, tạo thành ảnh hưởng xấu cả trong và ngoài nước. Do đó, nhóm điều tra khi đó tuyên bố sẽ tiến hành xử phạt nghiêm đối với ông Hạ Kiến Khuê cùng những người và cơ quan liên quan, những ai liên quan đến hành vi phạm tội sẽ được giao cho cơ quan công an xử lý.

Kết quả là, năm 2019, ông Hạ Kiến Khuê đã bị xử tù 3 năm và phạt số tiền 3 triệu Nhân dân Tệ (khoảng 430.000 USD) do vi phạm các quy định nhà nước về nghiên cứu khoa học và điều trị y tế.

Cảnh báo chống chỉnh sửa gen

Ông Hạ Kiến Khuê đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR để sửa đổi DNA của 3 em bé được cho là với mục đích tạo ra khả năng chống lại virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), loại virus phát triển thành AIDS.

Liệu pháp gen CRISPR lần đầu được biết đến trong công chúng vào năm 2012 khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách để chuyển một cái khiên bảo vệ của vi khuẩn thành công cụ chỉnh sửa gen.

CRISPR (đọc là /cris-pơ/) viết tắt của Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats, vốn là một bộ phận trong DNA của vi khuẩn đơn bào, là chuỗi lặp lại của các khuôn rỗng. Chúng rất quan trọng vì cho phép biến đổi các bộ phận gen mục tiêu – cơ bản là thông qua điều chỉnh, chúng cho phép các nhà nghiên cứu điều khiển một cái “kéo cắt gen” có thể sửa chữa gen một cách chính xác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo các nguy hiểm liên quan đến thử nghiệm CRISPR. Ngay cả với sự chính xác của phương pháp này, cũng thường xảy ra hàng trăm các đột biến không mong muốn.

Sau vụ bê bối chỉnh sửa gen của ông Hạ Kiến Khuê, một nhóm hơn 15 nhà khoa học hàng đầu đã yêu cầu phải có những luật định mạnh mẽ nhằm chống lại việc lạm dụng chỉnh sửa gen. Nhóm này bao gồm 2 nhà phát minh hệ thống chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9, Emmanuelle Charpentier và Feng Zhang.

“Chúng tôi kêu gọi hình thành một lệnh cấm toàn cầu việc sử dụng lâm sàng chỉnh sửa gen người như thay đổi DNA có thể di truyền trong tinh trùng, trứng, hoặc phôi thai, nhằm tạo ra những em bé biến đổi gen. Với lệnh cấm toàn cầu này, chúng tôi không có ý là đề cập đến một lệnh cấm cố định… thay vào đó, chúng tôi kêu gọi thiết lập một khuôn khổ mà các quốc gia trong khi có thể tự đưa ra quyết định riêng của mình, vẫn có thể tình nguyện cam kết không chấp nhận bất kỳ việc chỉnh sửa phôi thai lâm sàng nào trừ khi đáp ứng được các điều kiện cụ thể”, các nhà khoa học tuyên bố.

Các nhà khoa học nói rõ rằng họ không kêu gọi cấm việc chỉnh sửa phôi thai cho các mục đích nghiên cứu hoặc trị bệnh. Hiện tại, có khoảng 30 quốc gia trên toàn thế giới đã ban hành luật cấm việc chỉnh sửa phôi thai bao gồm cả trực tiếp hoặc gián tiếp.

Còn nhiều khuất tất đằng sau vụ việc?

Cựu Giáo sư Lý học (Tống Minh Lý học, một trường phái của Nho giáo) thuộc một trường đại học ở Thượng Hải có tên Thảo Tế (@caojitw) đã chia sẻ trên Twitter cho biết rằng thực nghiệm “chỉnh sửa gen thai nhi” của ông Hạ Kiến Khuê là do lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy, Đại học Khoa học Kỹ thuật Phương Nam là đơn vị phụ trách thực thi, ông Hạ Kiến Khuê là người chấp hành kế hoạch bí mật này. Từ số tiền hơn 100 triệu Nhân dân Tệ, ông Hạ Kiến Khuê được tiến cử vào Đại học Khoa học Kỹ thuật Phương Nam qua “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của chính quyền ĐCSTQ, có nhiều người bị thực nghiệm, v.v, có thể thấy nếu không có sức mạnh quốc gia thì tuyệt đối không làm được dự án này.

Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Hằng Hà cũng từng chia sẻ với tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ không mong muốn quốc tế chú ý đến vấn đề của họ về phương diện luân lý y học, cho nên mới nhanh chóng ruồng bỏ ông Hạ Kiến Khuê. Bởi vì về phương diện này, từ kế hoạch hóa gia đình cho đến mổ sống lấy nội tạng, ĐCSTQ có quá nhiều bức màn đen đang che giấu.

Được biết, ông Hạ Kiến Khuê năm nay 38 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, sau đó đến Mỹ học chuyên sâu. Thầy hướng dẫn của ông Hạ là Giáo sư Công trình Sinh học nổi tiếng Michael Deem thuộc Đại học Rice, Mỹ. Năm 2010, ông Hạ Kiến Khuê nhận bằng Tiến sĩ Vật lý Sinh học, sau đó chuyển sang Đại học Stanford nghiên cứu về trình tự DNA. Năm 2012, ông Hạ Kiến Khuê trúng tuyển vào “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, và quay trở về nhậm chức Phó Giáo sư Đại học Khoa học Kỹ thuật Phương Nam tại Thâm Quyến trước khi bị phạt tù vào năm 2019.

Phan Anh (tổng hợp)

Nạn đói Nga 1921-1923 và chiến dịch cứu trợ vĩ đại của người Mỹ