Reuters chỉ ra rằng sách điện tử do AI viết đã bùng nổ trên Amazon, trong đó có những người trở thành nhà văn nhờ ChatGPT, và có những ‘tác phẩm’ được hoàn thành chỉ trong vài giờ đồng hồ.

shutterstock 1088179433
Một tiệm sách, ảnh minh họa (Nguồn: No-Te Eksarunchai/ Shutterstock)

Brett Schickler chưa bao giờ tưởng tượng mình có thể trở thành một tác giả xuất bản, mãi cho đến gần đây, mặc dù anh đã ước mơ về điều đó. Sau khi biết về ChatGPT, anh Schickler chợt nhận ra cơ hội đã đến với mình.

“Nguyện ước viết một cuốn sách cuối cùng đã thành hiện thực,” theo anh Schickler, một nhân viên bán hàng ở Rochester, New York.

Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT có thể tạo ra các khối văn bản từ các lời nhắc (câu hỏi) đơn giản, anh Schickler đã chế ra một cuốn sách điện tử dành cho trẻ em có hình minh họa dài 30 trang chỉ trong vài giờ, rồi chào bán nó vào tháng 1/2023 thông qua bộ phận xuất bản của Amazon.com.

Trong cuốn truyện này, cậu sóc Sammy, được AI miêu tả theo yêu cầu của tác giả, học hỏi từ những người bạn trong rừng của mình về cách tiết kiệm tiền sau khi tình cờ nhặt được một đồng tiền vàng. Cậu bèn làm thủ công một con-heo-đất hình hạt dẻ, đầu tư vào một doanh nghiệp buôn bán hạt dẻ, và hy vọng một ngày nào đó sẽ mua được một viên đá mài hạt dẻ.

Và dần dần Sammy trở thành con sóc giàu có nhất trong rừng, khiến bạn bè hâm mộ, và “khu rừng bắt đầu thịnh vượng.”

“Cậu sóc nhỏ thông minh: Câu chuyện về tiết kiệm và đầu tư,” hiện có trên cửa hàng Amazon Kindle với giá 2,99 USD (hoặc 9,99 USD cho bản in) đã thu về cho anh Schickler chưa tới 100 USD. Anh cho biết mặc dù thu nhập nghe có vẻ chưa nhiều, nhưng thừa đủ để truyền cảm hứng cho anh tiếp tục sự nghiệp nhà văn của mình.

Tính đến giữa tháng 2, đã có hơn 200 đầu sách điện tử trong cửa hàng Kindle của Amazon được liệt kê ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả. Ví dụ các cuốn: “Cách viết và tạo nội dung bằng ChatGPT,” “Sức mạnh của bài tập về nhà,” tập thơ “Tiếng vọng của vũ trụ,” v.v.

Và con số đang tăng lên hàng ngày.

Thậm chí Amazon còn mở hẳn một mục con ‘thể loại sách’: Sách về cách sử dụng ChatGPT, được viết hoàn toàn bởi ChatGPT.

Nhưng do bản chất của ChatGPT, và thực tiễn có nhiều tác giả không tiết lộ họ đã sử dụng AI, cho nên không cách nào có được một thống kê đầy đủ về số đầu sách điện tử do AI đóng góp.

Đe dọa miếng cơm của tác giả truyền thống

Tốc độ sáng tác chóng mặt với chi phí siêu rẻ, là các ưu điểm vượt trội của ChatGPT, khi cạnh tranh với phong cách sáng tác truyền thống.

Video: Ngành CNTT đã từng làm thay đổi cách sống, làm việc, và giải trí của thế giới, như văn bản số, thư điện tử, internet, điện thoại thông minh, v.v. Mỗi ứng dụng được đón nhận, ban đầu là giai đoạn hoàn thiện chức năng, sau đó đến bùng nổ ở thị trường, rồi sau mới giảm tốc độ phát triển. Nhiều tác vụ của con người, như công việc văn thư, trực điện thoại, v.v. đã bị thay thế. Công nghệ AI hiện nay đã bắt đầu vào giai đoạn bùng nổ rồi.

Khởi nghiệp văn chương bằng những cuốn sách thể loại ‘dễ làm’ như truyện dành cho trẻ em có tranh minh họa, rồi xuất bản nhờ các kênh trực tuyến như Amazon, là điều hấp dẫn với nhiều người, chứ không chỉ với anh Schickler.

Hiện nay trên YouTube, TikTok, và Reddit, có hàng trăm hướng dẫn đã xuất hiện, trình bày cách tạo một cuốn sách chỉ trong vài giờ. Thậm chí còn gợi ý các chủ đề ‘dễ làm’ như: Kế hoạch làm giàu nhanh chóng, lời khuyên về chế độ ăn kiêng, mẹo mã hóa phần mềm, công thức nấu ăn, v.v.

Mary Rasenberger, giám đốc điều hành của nhóm tác giả Authors Guild cho biết: “Đây là điều chúng ta thực sự cần phải lo lắng, những cuốn sách này sẽ tràn ngập thị trường và rất nhiều tác giả làm ăn chân chính kiểu truyền thống sẽ mất việc.”

Bà cho biết tệ nạn ‘cây bút ma’ vẫn tồn tại từ lâu, khi tác phẩm của một tác giả thực ra là không phải do chính tác giả đó chắp bút. Nhưng hiện nay xuất hiện khả năng tự động hóa viết văn nhờ AI, thì sẽ khiến việc này trở nên tràn lan hơn.

“Cần phải có sự minh bạch rằng tác phẩm là từ các tác giả hay là từ công cụ, nếu không bạn sẽ nhận được rất nhiều cuốn sách chất lượng thấp,” bà bình luận.

Một tác giả, tên là Frank White, đã cho thấy trong một video trên YouTube rằng trong vòng chưa đầy một ngày, anh ấy đã tạo ra một cuốn tiểu thuyết dài 119 trang có tên “Galactic Pimp: Tập 1” kể về các phe phái ngoài hành tinh trong một thiên hà xa xôi đang chiến đấu tranh giành nhau một nhà thổ mà nhân viên là con người. Cuốn sách được rao bán với giá chỉ 1 đô la trên cửa hàng sách điện tử Kindle của Amazon. Trong video, anh White khẳng định rằng bất kỳ ai có thời gian đều có thể tạo ra 300 cuốn sách như vậy mỗi năm, tất cả đều sử dụng AI.

Nhiều tác giả, giống như anh White, cảm thấy không có nghĩa vụ phải tiết lộ trong cửa hàng Kindle rằng cuốn tiểu thuyết đồ sộ của họ được viết bằng cách chế tạo theo dây chuyền hàng loạt nhờ máy tính.

Tại sao họ phải làm như vậy nếu chính sách của Amazon không yêu cầu?

Khi được Reuters yêu cầu bình luận, Amazon đã không nói liệu họ có kế hoạch thay đổi hoặc xem xét các chính sách của cửa hàng Kindle về việc tác giả sử dụng AI hoặc các công cụ viết tự động khác hay không. Người phát ngôn của Amazon, Lindsay Hamilton, cho Reuters biết qua email: “Tất cả sách trong cửa hàng phải tuân thủ nguyên tắc nội dung của chúng tôi, bao gồm tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và tất cả các luật hiện hành khác.”

Người phát ngôn của nhà phát triển ChatGPT OpenAI từ chối bình luận.

Hoàn thành tác phẩm chỉ trong vài giờ

Cho đến nay, Amazon là nhà bán sách giấy và sách điện tử lớn nhất, chiếm hơn một nửa doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ và theo một số ước tính, chiếm đến tận hơn 80% thị trường sách điện tử. Dịch vụ Kindle Direct Publishing (xuất bản trực tiếp) của nó đã tạo ra một ngành xuất bản tiểu thuyết gồm các tiểu thuyết gia tự xuất bản, thỏa mãn cả những độc giả đặc thù như sách khiêu dâm.

Amazon đã tạo ra Kindle Direct Publishing vào năm 2007 để cho phép mọi tác giả có thể bán và tiếp thị một cuốn sách khi ngồi gõ máy laptop trên giường của họ, chứ không trải qua các công đoạn phiền phức hoặc tốn kém liên quan đến các nhà xuất bản văn học hoặc các đại lý. Nghĩa là, Amazon cho phép các tác giả xuất bản ngay lập tức mà không có bất kỳ sự giám sát nào.

Điều đó đã thu hút các tác giả mới được hỗ trợ bởi AI như Kamil Banc, người có công việc chính là bán nước hoa trực tuyến, người đã đánh cược với vợ rằng anh có thể viết một cuốn sách từ khi hình thành đến khi xuất bản trong vòng chưa đầy một ngày.

Sử dụng ChatGPT, và một công cụ tạo hình ảnh bằng AI và những lời nhắc như “hãy viết một câu chuyện dỗ trẻ đi ngủ về một chú cá heo màu hồng dạy trẻ em cách trung thực,” anh Banc đã xuất bản một cuốn sách dài 27 trang có minh họa vào tháng 12. Nó hiện nay có bán trên Amazon, “Những câu chuyện trước khi đi ngủ: Ngắn gọn và ngọt ngào, cho một giấc ngủ ngon.” Chỉ mất khoảng 4 giờ để tạo ra, anh ấy nói.

Anh Banc thừa nhận rằng sự quan tâm của người tiêu dùng cho đến nay vẫn còn chưa bột phát, với doanh số bán hàng mới đạt tổng cộng khoảng một chục bản. Nhưng anh cho biết độc giả đã đánh giá nó tới tận 5 sao, trong đó có một phản hồi với lời ca ngợi “những nhân vật tuyệt vời và đáng nhớ.”

Kể từ đó, anh Banc đã xuất bản thêm hai cuốn sách do AI tạo ra, bao gồm một cuốn sách tô màu với chủ đề dành cho người lớn. Anh cho biết anh còn có nhiều tác phẩm khác đang được hoàn thiện.

“[Viết sách] thực sự quá đơn giản,” anh nói. “Tôi rất ngạc nhiên về tốc độ, từ khi bắt đầu có ý tưởng, cho đến khi có thể xuất bản.”

Không phải tất cả mọi người đều bị choáng ngợp bởi ‘con vẹt thông thái’ ChatGPT này. Mark Dawson, người được cho là đã bán được hàng triệu bản sách do chính ông viết thông qua Kindle Direct Publishing, đã gọi các tiểu thuyết có AI hỗ trợ là “tẻ nhạt” trong một email gửi tới Reuters.

“Công lao là đóng một vai trò xứng đáng khi sách được giới thiệu cho những độc giả khác. Nếu một cuốn sách bị đánh giá xấu vì văn phong tẻ nhạt thì nó sẽ nhanh chóng chìm xuống đáy.”

ChatGPT bị chỉ trích bởi hãng tin lớn

Bloomberg đưa tin vào tuần trước rằng đã có hãng tin lớn đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích OpenAI và sản phẩm ChatGPT của họ, nói rằng công ty khởi nghiệp này đã đào tạo đứa con AI của mình bằng tri thức khổng lồ của hãng trong khi không trả tiền.

“Bất kỳ ai muốn dùng sản phẩm của các phóng viên Tạp chí Phố Wall để dùng cho đào tạo AI thì phải có giấy phép thích đáng từ Dow Jones,” theo Jason Conti, cố vấn chung của Dow Jones đã nói với Bloomberg. Mà “Dow Jones chưa hề có thỏa thuận như vậy với OpenAI.”

“Chúng tôi coi việc sử dụng không đúng mục đích các thành quả lao động của phóng viên chúng tôi là một vấn đề nghiêm túc,” ông Conti nói thêm, “và chúng tôi đang xem xét vụ việc này.”

Theo Bloomberg chỉ ra, các hãng tin khác như Journal hay CNN cũng tin rằng OpenAI đã vi phạm các điều khoản sử dụng khi họ lấy nội dung mà không trả tiền.

Bị chỉ trích là lấy thành quả công tác của người khác mà không trả tiền, cộng với viết sách hàng loạt như dây chuyền công nghiệp, tác động không lành mạnh đến những tác giả chân chính, công nghệ trí tuệ nhân tạo dường như vẫn còn nhiều vấn đề đau đầu.

Nhật Tân t/h