Nhóm nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho biết rằng họ đã chế tạo ra một loại vải tàng hình có thể che được các mục tiêu quân sự mặt đất khỏi những vệ tinh radar do thám.

tàng hình
(Ảnh minh họa: Andrey Armyagov/Shutterstock)

Che giấu các mục tiêu khỏi thiết bị radar quân sự tiên tiến được xem là công việc rất khó khăn. Các hệ thống radar hiện nay có thể phát hiện ra vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng mà hệ thống camera thông thường không thể nhìn thấy. Từ trên không, radar vệ tinh cũng có thể xác định được các vật thể chỉ nhỏ bằng hộp đựng giày dưới mặt đất. Trong khi vệ tinh viễn vọng chỉ có thể hoạt động vào ban ngày, thì vệ tinh radar có thể chụp ảnh rõ nét vào ban đêm.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Không quân ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã chế tạo ra một thiết bị mới là một loại vải co giãn, có thể bao phủ lên các phương tiện, vũ khí khác nhau như xe tăng, pháo hoặc trạm radar.

Trưởng nhóm nghiên cứu Xu Hexiu và các đồng nghiệp cho biết chính loại vải co giãn này có thể giúp vật thể gần như vô hình trước các vệ tinh radar. Trong bài báo đăng trên Tạp chí Journal of Infrared and Millimetre Waves vào tháng 3 vừa qua, ông Xu cho hay rằng mục tiêu được phủ bằng loại vải này sẽ biến hình thành một mảnh đất trống.

Trước kia, các công nghệ tàng hình đã được sử dụng nhằm che giấu máy bay chiến đấu và các loại máy bay khác khỏi hệ thống radar, nhưng không có tác dụng trên mặt đất bởi tín hiệu radar phản chiếu lại sau khi chạm đất. Điều này có nghĩa là các vật thể như xe tăng được bao phủ bởi loại vật liệu này (hấp thụ tín hiệu radar hoặc sử dụng cấu trúc hình học để làm chệch hướng sóng vô tuyến) sẽ bị phát hiện do tạo ra sự tương phản không tự nhiên với khung cảnh xung quanh.

Theo ông Xu và nhóm nghiên cứu, họ đã tìm ra một cách thức khác giúp thay đổi tín hiệu, khiến mục tiêu quân sự trở nên giống với mô hình do cảnh quan tự nhiên tạo ra. Loại vải tàng hình mà nhóm ông Xu tạo ra gồm nhiều lớp, lớp dưới cùng chứa nhiều vi mạch có thể tạo ra sóng điện từ.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D độc đáo có thể vẽ các vi mạch trên một mảnh vải mềm mỏng, như sợi tóc người với độ chính xác cực cao. Tiếp đến, họ bổ sung nhiều lớp nhựa và kim loại mỏng để tạo ra bề mặt meta có thể thay đổi hướng của tín hiệu, nhờ đó mô phỏng tín hiệu phản chiếu trên mặt đắt bằng phẳng.

Ông Xu cho hay rằng có nhiều loại siêu vật liệu đã được phát triển để đánh lừa vệ tinh radar, nhưng không loại vật liệu nào có thể tự do di chuyển và rộng rãi như loại vải mới này.

Khi sóng radar tiếp xúc với một vật thể không bằng phẳng, chúng sẽ phản xạ trở lại theo nhiều hướng khác nhau, qua đó cho phép máy tính xác định kích thước và hình dạng của vật thể bằng cách đo độ khác biệt trong tín hiệu. Dẫu vậy, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra hiệu suất của thiết bị mới trong một cơ sở mô phỏng, sóng radar chạm vào tấm vải đã phản xạ lại theo một kiểu đồng nhất, tương tự như sóng từ các vùng đất bằng phẳng. Khoảng cách từ radar đến mục tiêu càng lớn thì khả năng bị phát hiện càng ít.

Các nhà khoa học cũng cho biết rằng công nghệ này có thể chống lại tác động của việc radar vệ tinh thay đổi cường độ và chùm tia để tiết lộ thêm chi tiết về mục tiêu. Ước tính dựa trên dữ liệu thực tế chỉ ra rằng công nghệ ngụy trang có thể bảo vệ hơn 80% mục tiêu quân sự khỏi bị tên lửa tiêu diệt.

Tuy nhiên, thiết bị do nhóm của ông Xu phát triển không hoạt động như một vật thể độc lập, giống các đồ vật trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hay chiếc áo tàng hình ở phim Harry Potter. Ông Xu tuyên bố: “Loại vải này cần phải được kết hợp với các phương pháp khác như giảm nhiệt, ngụy trang quang học và mồi nhử để có thể đạt được hiệu quả cao”.

Theo SCMP,

Phan Anh

Bí ẩn Hội chứng Stockholm