Một ủy ban độc lập chỉ trích Bắc Kinh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì đã chậm trễ trong việc ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc.

WHO
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). (Ảnh: Skorzewiak/ShutterStock)

“Điều rõ ràng đối với Ủy ban là các biện pháp y tế công cộng có thể đã được các cơ quan y tế địa phương và quốc gia ở Trung Quốc áp dụng mạnh mẽ hơn vào tháng 1/2020,” trích nội dung báo cáo tạm thời.

Ủy ban do WHO thành lập theo nghị quyết của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) vào tháng 5/2020, có tên là Ủy ban độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch (IPPR), do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Sirleaf cùng dẫn đầu.

COVID-19 là bệnh gây ra bởi virus ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), thường được gọi là virus corona mới. Nó có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán thuộc miền trung của Trung Quốc. Các nhà chức trách y tế của thành phố tuyên bố bệnh nhân đầu tiên xuất hiện vào ngày 8/12/2019, nhưng các báo cáo truyền thông cho thấy bệnh nhân được ghi nhận sớm nhất là một người đàn ông khoảng 70 tuổi, đã bị ốm vài ngày trước đó vào hôm 1/12. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ “bệnh nhân số 0” là ai.

Một loạt các tài liệu rò rỉ do tờ The Epoch Times thu thập được cho thấy các bệnh viện ở Vũ Hán đã tiếp nhận bệnh nhân có các triệu chứng giống COVID vào đầu tháng 9/2019.

Báo cáo của Ủy ban cũng chỉ trích Trung Quốc vì đã “mất cơ hội áp dụng các biện pháp y tế công cộng cơ bản trong thời gian sớm nhất.”

Nhiều người đã chỉ trích Trung Quốc vì ban đầu đã bịt miệng các bác sĩ tố giác (whistleblower doctors), trong số đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đã cố gắng cảnh báo công chúng về một đợt bùng phát “viêm phổi chưa từng được biết đến” trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 30/12/2019. Sau đó, anh đã bị gọi đến đồn cảnh sát và khiển trách vì “tung tin đồn nhảm nhí.”

Ngoài ra, Bắc Kinh đã không công khai thừa nhận rằng virus này đã lây nhiễm ra cộng đồng cho đến ngày 20/1/2020, vài tuần sau khi Đài Loan cảnh báo WHO về nguy cơ lây truyền từ người sang người trong một email. WHO đã phủ nhận rằng email chứa nội dung cảnh báo nêu trên.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar, trong một bài phát biểu tại Quỹ Di sản Think Tank có trụ sở tại Washington vào ngày 14/1, cho biết chính phủ Mỹ lần đầu tiên biết về loại virus này vào tháng 12/2019 từ Đài Loan và phản đối các báo cáo từ Trung Quốc về việc loại virus này không lây nhiễm.

Báo cáo cũng chỉ trích WHO vì đã chậm trễ trong việc ứng phó với dịch bệnh.

“Không rõ tại sao ủy ban [khẩn cấp] không họp cho đến tận tuần thứ 3 của tháng Giêng, cũng như không rõ tại sao ủy ban này không thể thống nhất về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm [PHEIC] khi nó được triệu tập lần đầu,” theo báo cáo.

Ủy ban khẩn cấp của WHO đã triệu tập vào ngày 22/1/2020 và quyết định rằng việc tuyên bố tình trạng PHEIC, mức cảnh báo cấp cao nhất mà WHO có thể tuyên bố, là “vẫn còn quá sớm.” WHO cuối cùng đã công bố tình trạng PHEIC vào ngày 30/1/2020.

Báo cáo cũng đặt câu hỏi tại sao Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho đến tận tháng 3/2020 mới tuyên bố sự bùng phát đại dịch.

“Mặc dù thuật ngữ đại dịch không được sử dụng cũng như không được định nghĩa trong Điều lệ Y tế Quốc tế- IHR (2005), việc sử dụng nó nhằm tập trung sự chú ý vào mức độ nghiêm trọng của một vấn đề liên quan đến sức khỏe. Phải đến ngày 11/3, WHO mới sử dụng thuật ngữ này,” báo cáo giải thích.

Báo cáo kết luận rằng WHO “đã không đủ năng lực để thực hiện công việc như mong đợi.”

Ủy ban cho biết: “Quyền hạn của WHO trong việc xác nhận các báo cáo về khả năng bùng phát dịch bệnh và khả năng triển khai các nguồn lực hỗ trợ và ngăn chặn cho các khu vực địa phương là rất hạn chế.”

Vào tháng 7/2020, Tổng thống Trump đã gọi WHO là “một con rối của Trung Quốc,” đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh “hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc che giấu virus và gieo rắc nó ra toàn thế giới.” Cũng trong tháng này, Tổng thống Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi WHO. Quyết định này sẽ có hiệu lực vào ngày 6/7/2021.

Báo cáo kết luận rằng: “Nhìn lại, rõ ràng là số lượng các ca nhiễm bệnh trong thời kỳ đầu của đại dịch ở tất cả các quốc gia đều cao hơn so với báo cáo. Một dịch bệnh bị che giấu trên diện rộng đã góp phần gây ra sự lây lan trên toàn cầu.”

Ủy ban dự kiến ​​sẽ trình bày báo cáo cuối cùng tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 diễn ra vào tháng 5/2021.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: