Cựu CEO của Amazon Jeff Bezos mới đây đã hoàn thành được ước mơ từ nhỏ của mình, đó là được bay vào không gian vũ trụ.

Tỷ phú giàu nhất thế giới này vừa được thực hiện thành công chuyến bay vào rìa không gian kéo dài khoảng 11 phút, trước khi hạ cánh an toàn trở lại Trái Đất, theo tờ CNN.

Ngoài cựu CEO Amazon, một số người khác cũng đã có mặt trên tàu New Shepard. Đó là Mark Bezos (em trai của Bezos); Wally Funk, một trong những phụ nữ Mỹ đầu tiên được huấn luyện bay vào không gian theo chương trình Mercury 13 của Mỹ, nhưng chưa bao giờ được bay; và Oliver Daemen, chàng trai mới 18 tuổi có cha là giám đốc một công ty quản lý đầu tư ở Hà Lan, là hành khách đầu tiên bỏ tiền mua vé để được bay vào không gian.

Bezos
4 hành khách có mặt trên tàu New Shepard. Từ trái qua phải: Mark Bezos, Jeff Bezos, Oliver Daemen, Wally Funk. (Ảnh: Blue Origin)

Theo CNN, cả 4 hành khách này đã ngồi bên trong khoang của tàu New Shepard, trước khi tên lửa đẩy khởi động động cơ vào khoảng 20h12 phút ngày 20/7 (giờ Việt Nam). Với vận tốc đạt 3.540 km/h, con tàu mất khoảng 2 phút rưỡi để đạt đến độ cao 76 km. Ở mốc độ cao này, khoang chứa hành khách của tàu đã tách ra, trong khi phần tên lửa đẩy quay trở lại mặt đất để tái sử dụng cho lần phóng sau.

Khi khoang chứa hành khách đạt độ cao 106km, phi hành đoàn đã được trải nghiệm tình trạng không trọng lực trong vòng 4 phút. Trong khoảng thời gian này, cả 4 hành khách được phép tháo dây ra khỏi chỗ ngồi của họ để bay xung quanh và đắm mình trong tầm nhìn toàn cảnh của Trái đất và vũ trụ.

Sau đó, khoang hành khách quay trở lại Trái đất bằng dù, trước khi sử dụng hệ thống phản lực vào phút cuối để có thể đáp êm xuống sa mạc Texas. Toàn bộ quy trình kéo dài chưa đến 11 phút. Ngay khi rời khỏi khoang hành khách, tỷ phú Jeff Bezos ngay lập tức thốt lên: “Đây là ngày đẹp nhất trong đời tôi“.

Tôi đã hoàn thành sứ mệnh lớn trong đời – đó là không lỡ chân đạp trúng ai cả“, ông Jeff Bezos bông đùa sau khi đáp đất. “Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy [việc xoay sở tại] môi trường không trọng lực dễ như thế nào … như thể đang bơi vậy“.

Trước chuyến bay có ý kiến lo ngại về an toàn của tỷ phú Bezos và phi hành đoàn, lý do là tàu New Shepard đã có 15 lần bay thử nghiệm không người lái và từng thất bại một phần với sự cố trong đó khoang chở khách hạ cánh an toàn nhưng động cơ đẩy tên lửa đâm xuống đất. Nhưng khi xem xét kinh nghiệm của Blue Origin từ trước tới nay, Giám đốc điều hành Tập đoàn Asti Joseph Fragola đã tính toán tỷ lệ tên lửa gặp trục trặc là 1/100 – 1/500, nhưng ước tính chuẩn nhất là 1/200. Tuy nhiên, do khoang chở phi hành đoàn New Shepard cách xa động cơ, có thể tách ra và thoát hiểm trong trường hợp gặp sự cố, Fragola đã tăng ước tính về mức độ an toàn.

Chuyến đi của Jeff Bezos cũng đánh dấu một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với tàu vũ trụ New Shepard – một tổ hợp tàu vũ trụ, tên lửa hoàn toàn tự động của công ty Blue Origin, vốn thuộc sở hữu của cựu CEO Amazon. Tổ hợp này được coi là con át chủ bài trong các kế hoạch khai thác thị trường du lịch vũ trụ tiềm năng của tỉ phú Jeff Bezos. Sứ mệnh này cũng là chuyến bay không người lái đầu tiên trên thế giới, khi các hành khách tham gia hoàn toàn không được đào tạo bài bản.

Sứ mệnh này cũng đồng thời thiết lập hai kỷ lục nữa: người cao tuổi nhất từng lên không gian (bà Funk, 82 tuổi) và người trẻ nhất từng chạm tới rìa vũ trụ (Daemen, 18 tuổi). Ông Jeff Bezos trở thành vị tỷ phú thứ 2 từng bay trên tên lửa do chính công ty mình tạo ra, sau khi ông Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Galactic vào vũ trụ trên tên lửa SpaceShipTwo của mình hôm 11/7 vừa qua. Đây là đối thủ cạnh tranh chính của Blue Origin trong ngành kinh doanh du lịch cận quỹ đạo. Giá vé cho một ghế theo thông báo gần đây nhất của Virgin Galactic là 250.000 USD. Trong khi đó, Blue Origin chưa công bố giá vé nhưng mức giá được dự đoán cũng ở mức 6 con số.

Video chuyến bay vào vũ trụ của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos:

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: