Hôm 8/7, tỷ phú Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla đồng thời cũng là người giàu nhất thế giới, cho biết ông đã chấm dứt thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vì công ty truyền thông xã hội này đã không cung cấp thông tin về các tài khoản giả mạo.

Embed from Getty Images

Cổ phiếu của Twitter đã giảm 7% trong phiên giao dịch mở rộng. Trước đó vào tháng Tư, ông Musk đã đề nghị mua lại Twitter với mức giá 54,20 USD/cổ phiếu.

Vào ngày 9/7, Chủ tịch Twitter Bret Taylor viết trên nền tảng này rằng hội đồng quản trị đã chuẩn bị các quy trình pháp lý để thực thi thỏa thuận sáp nhập. 

“Hội đồng quản trị Twitter cam kết hoàn tất giao dịch theo mức giá và các điều khoản đã thỏa thuận với ông Musk …”

Trong một hồ sơ, các luật sư của ông Musk cho biết Twitter đã từ chối hoặc không thể cung cấp thông tin về các tài khoản giả mạo hoặc tài khoản spam trên nền tảng mạng xã hội này, trong khi đây là điều cơ bản đối với hoạt động kinh doanh của công ty. 

Theo nội dung hồ sơ, “Twitter vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản của Thỏa thuận, dường như đã đưa ra những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm mà ông Musk đã dựa vào khi tham gia Thỏa thuận sáp nhập.”

Người giàu nhất thế giới đạt được thỏa thuận mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD vào tháng Tư, tuy nhiên sau đó đã tạm dừng thương vụ cho đến khi công ty truyền thông xã hội chứng minh rằng các tài khoản giả mạo (spam bots) chiếm ít hơn hơn 5% tổng số người dùng của họ.

Các điều khoản của thỏa thuận yêu cầu ông Musk phải trả khoản phí phá vỡ hợp đồng trị giá 1 tỷ USD nếu ông không hoàn thành giao dịch.

Ông Musk đã đe dọa sẽ dừng thỏa thuận trừ khi công ty đưa ra bằng chứng rằng có ít hơn 5% người dùng là các tài khoản spam và tài khoản tự động đang xem quảng cáo trên Twitter. 

Quyết định này có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài giữa tỷ phú Musk và công ty ‘16 tuổi’ Twitter có trụ sở tại San Francisco.

Vy An