Theo tờ Nikkei, các kỹ thuật viên tại một công ty Trung Quốc liên kết với nhà cung cấp ứng dụng trò chuyện LINE của Nhật Bản đã có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng ở Nhật Bản.

Embed from Getty Images

Công ty LINE Corp đã tiết lộ không đầy đủ về quyền truy cập dữ liệu của người nước ngoài trong chính sách bảo mật của mình, theo Nikkei. Hiện công ty đã tường trình vụ việc với Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân và cho biết họ đã chấm dứt quyền truy cập dữ liệu của chi nhánh Trung Quốc. Một ủy ban sẽ sớm được thành lập để điều tra vụ việc.

Theo tiết lộ mới nhất, 4 nhân viên ở công ty liên kết với LINE tại Thượng Hải có thể truy cập dữ liệu người dùng từ một máy chủ ở Nhật Bản kể từ tháng 8 năm 2018. Dữ liệu có thể truy cập bao gồm tên, số điện thoại, ID và một số nội dung trò chuyện không được mã hóa. LINE nói rằng mặc dù chi nhánh được quyền truy cập vào 1 số dữ liệu nhất định, nhưng họ không biết về bất kỳ truy cập trái phép nào vào dữ liệu tại thời điểm này.

LINE có khoảng 86 triệu người dùng ở Nhật Bản, khiến nó trở thành một phần chính trong cuộc sống của mọi người.

Chính sách bảo mật của LINE quy định rằng dữ liệu cá nhân có thể được chuyển sang nước thứ ba, nhưng nó không đề cập đến khả năng các chi nhánh ở nước ngoài được quyền truy cập vào dữ liệu đó.

Ngoài ra, không có giải thích đầy đủ về phạm vi quyền hạn của các công ty nước ngoài trong việc giám sát nội dung của hồ sơ người dùng và chức năng bảng thông báo – được gọi là trò chuyện mở. LINE đã thuê ngoài công việc giám sát cho một nhà thầu trong nước, nhưng công ty này lại thầu phụ công việc cho một công ty ở Đại Liên, Trung Quốc.

Theo Nikkei, vụ scandal của LINE có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của nó như một ứng dụng nhắn tin an toàn, và có thể cản trở nỗ lực của công ty trong việc tạo ra một “siêu ứng dụng” Tất cả-trong-một sau khi hoàn tất việc sáp nhập với Yahoo Japan, một chi nhánh của SoftBank Group, hồi đầu tháng Ba.

Hiện LINE đang có kế hoạch giải trình cách họ sử dụng thông tin khách hàng và sửa đổi các quy tắc nội bộ liên quan đến quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm. Công ty cũng sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt bao gồm các chuyên gia bảo mật và quyền riêng tư.

Lê Vy (theo Nikkei)

Xem thêm: