Theo một nghiên cứu mới từ Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, những ước tính ban đầu cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 (do chủng virus corona mới gây ra) là 5,1 ngày.

thời gian ủ bệnh virus Vũ Hán trung bình là 5 ngày
Virus Vũ Hán dưới kính hiển vi (Ảnh: Viện nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm, NIH)

Nhận thức được thời gian ủ bệnh là cốt yếu trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Thời gian ủ bệnh là thời gian giữa lần tiếp xúc đầu tiên với vi sinh vật gây bệnh cho tới thời điểm xuất hiện các triệu chứng ở vật chủ. Thời gian ủ bệnh có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào bệnh. Ví dụ, bệnh cúm có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày trong khi bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 9 đến 12 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra 181 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 và kết luận rằng thời gian ủ bệnh trung bình là 5,1 ngày. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có 97,5% số người bị nhiễm virus sẽ xuất hiện các triệu chứng trong vòng 11,5 ngày. Nghiên cứu này không có nghĩa là bệnh nhân sẽ có triệu chứng rõ rệt sau 5 ngày, nhưng thay vào đó, nó xác nhận rằng thời gian cách ly 2 tuần như hiện tại là khoảng thời gian tối ưu để tự cách ly sau khi nghi ngờ nhiễm bệnh.

“Dựa trên phân tích của chúng tôi về dữ liệu có sẵn công khai, khuyến nghị thời gian cách ly 14 ngày như hiện tại là hợp lý, mặc dù về dài hạn sẽ bỏ sót một số trường nhiễm bệnh” chuyên gia Justin Lessler, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.

Theo ông Lessler, nghiên cứu này khẳng định sẽ có một số ít các trường hợp mà trong đó thời gian ủ bệnh có thể dài hơn 14 ngày. Nghiên cứu ước tính cứ 10.000 đối tượng bị nhiễm thì có khoảng 101 trường hợp xuất hiện các triệu chứng sau 14 ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu lưu ý rằng cần phải cân nhắc đến vấn đề chi phí kinh tế và xã hội của việc kiểm dịch, so với hậu quả của việc bỏ qua các trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh. Một số người có nguy cơ lây nhiễm cao cần phải theo dõi tình trạng dài hơn 14 ngày, ví như nhân viên y tế tiếp xúc với virus mà không đeo thiết bị bảo vệ.

>> COVID-19: Siêu virus “đủ cả ngũ độc”

Jonathan Ball, giáo sư về virus học phân tử tại Đại học Nottingham, chỉ ra rằng các nghiên cứu về ủ bệnh là rất khó khăn bởi không dễ để xác định chính xác thời điểm mà một người tiếp xúc lần đầu với tác nhân truyền nhiễm.

“Nghiên cứu cho thấy ở một số trường hợp, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng các mô hình ước tính thời gian ủ bệnh là dựa trên một số giả định quan trọng. Giả định có ảnh hưởng lớn nhất là: một người sẽ bị nhiễm bệnh ngay khi họ tiếp xúc với virus,” ông Ball, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết. “Điều này có thể không đúng – thời gian nhiễm bệnh thực sự có thể muộn hơn nhiều. Giả định việc lây nhiễm xảy ra sớm sẽ làm cho kết quả ước tính thời gian ủ bệnh dài hơn.”

Chủng virus corona mới mà Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu gọi là “virus Trung Quốc”, có thời gian ủ bệnh trung bình tương tự với virus SARS giai đoạn 2002-2004 ở Trung Quốc. Ngược lại, cảm lạnh thông thường cũng được gây ra bởi các loại virus corona nhưng thời gian ủ bệnh chỉ từ 1 đến 3 ngày.

Điều quan trọng cần lưu ý là thời gian ủ bệnh khác với thời gian người bệnh có thể lây nhiễm. Thời gian từ khi tiếp xúc lần đầu cho đến khi khi người bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác, thường được gọi là thời kỳ tiềm ẩn (latent) – có thể ngắn hơn thời kỳ ủ bệnh.

Mặc dù giai đoạn biểu hiện triệu chứng của bệnh (ho, sốt) thường được xem là giai đoạn dễ lây nhiễm ra xung quanh nhất, nhưng hiện chúng ta chưa rõ thời điểm người mắc virus bắt đầu có khả năng lây nhiễm. Bằng chứng được trích dẫn trong nghiên cứu mới cho thấy thời kỳ tiềm ẩn ngắn hơn thời kỳ ủ bệnh, nhưng không biết chính xác mức độ lây nhiễm của người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh không triệu chứng.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.

Theo New Atlas,
Phan Anh