Bạn có thể đã nghe nói đến megalodon, loài cá mập khổng lồ đã tuyệt chủng từng sống trong thời tiền sử, thế còn cá mập sáu mang (sixgill), cũng được gọi là cá mập bò (tên khoa học Hexanchus griseus) có phần đầu dài và dẹt thì sao? Loài cá mập cổ đại khổng lồ này từ lâu đã ẩn nấp dưới đáy biển trước khi cá mập megalodon bị tuyệt chủng và vẫn tồn tại đến ngày nay tại khu vực đó. Chúng hiếm khi được các nhà khoa học để mắt đến. Nhưng mới đây, Gavin Naylor, chuyên gia về cá mập, đã ghi lại được những thước phim tuyệt vời về một con cá mập sáu mang đang chơi đùa xung quanh tàu ngầm nghiên cứu.

Naylor, người tiến hành nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida (Mỹ), đã chia sẻ trên tờ Live Science: “Tôi đã ‘chạm mặt’ với loài động vật này”.

Cá mập sáu mang là giống cá mập rất cổ xưa. Trên thực tế, chúng đã tồn tại trong khoảng 200 triệu năm, trước khi khủng long xuất hiện. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng chúng có thể đã sống sót sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt nghiêm trọng nhất trên Trái đất – tuyệt chủng kỷ Permian-Triassic, làm biến mất 96% sinh vật biển.

ca map sau mang
Tàu ngầm ‘chạm mặt’ với một con cá mập sáu mang khổng lồ. (Ảnh: OceanX)

Con cá mập sáu mang (giống cái) này có chiều dài khoảng 4,9 m, được phát hiện ở độ sâu khoảng 1.000 m dưới Vịnh Mexico, nằm ngoài khu vực Mũi Eleuthera thuộc quần đảo Bahamas. Nó đã bơi đến cạnh tàu ngầm của Naylor, mở to miệng, chớp chớp đôi mắt xanh khổng lồ với sự tò mò, thậm chí dùng mũi cọ vào con tàu.

“Nó khá thân thiện,” Naylor cho biết.

Sau đó, nó bắt đầu cắn xé miếng mồi được đặt bên ngoài con tàu và làm rung chuyển toàn bộ tàu ngầm.

“Chúng có vẻ rất chậm chạp và hiền lành”, Lee Frey, kỹ sư chuyên nghiên cứu dưới biển sâu, người đã lái tàu ngầm vào thời điểm đó, chia sẻ. “Tuy nhiên, chúng thực sự rất hung dữ khi săn mồi.”

>> Lần đầu tiên quay được hình ảnh loài ‘cá mập ma’ bí ẩn (video)

Đây là chuyến lặn thứ tư trên tàu ngầm của Naylor với nhiệm vụ truy tìm và gắn thẻ định vị trên cá mập sáu mang khổng lồ trong môi trường biển sâu – một một thách thức không hề nhỏ bởi chúng sống từ độ sâu từ 800 – 1100 m dưới đáy đại dương.

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã kéo cá mập lên bờ để gắn thẻ định vị chúng. Nhưng phương pháp đó không phải lúc nào cũng cho thấy rõ hành vi của chúng bởi sau khi lên bờ, những con cá mập được gắn thẻ sẽ có các hành vi mất kiểm soát. Do đó, các nhà nghiên cứu đã trang bị một tàu ngầm với súng phi tiêu có thể bắn thẻ để gắn vào cá mập. Nếu thành công, họ sẽ là nhóm các nhà khoa học đầu tiên gắn được thẻ vào động vật từ tàu ngầm.

Khi Naylor nhìn thấy con cá mập sáu mang đặc biệt này, nó đã ở rất gần tàu nghiên cứu và do đó có thể bắn phi tiêu để gắn thẻ định vị. Tuy nhiên, Naylor lại muốn dùng máy quay để lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời này và để hụt mất cơ hội. May mắn thay, Naylor sau đó cũng thành công trong việc bắn thẻ định vị lên một con cá mập sáu mang khác.

Việc gắn thẻ định vị sẽ giúp theo dõi chuyển động của cá mập, từ đó nhóm nghiên cứu sẽ hiểu rõ hơn về hành vi của những sinh vật tiền sử ít được nghiên cứu này.

Chuyến lặn là một phần nằm trong nhiệm vụ của OceanX, một tổ chức chuyên thực hiện các nghiên cứu về đại dương.

Theo Livescience,
Phan Anh