Khi còn nhỏ, có lẽ chúng ta từng học rằng có 7 lục địa trên Trái Đất: châu Phi, châu Á, Nam Cực, châu Úc, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

(ảnh minh họa: Shutterstock)
(ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo địa chất học, vốn nghiên cứu dựa trên các loại đá, thì chỉ có 6 lục địa vì châu Á và châu Âu hợp thành 1 lục địa Á-Âu duy nhất (Eurasia).

Nhưng theo một nghiên cứu mới về vỏ Trái Đất, có một lục địa địa chất thứ 7 mang tên “Zealandia” đã ẩn giấu trước mắt chúng ta bấy lâu nay.

11 nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng vùng New Zealand và New Caledonia ở phía bắc Australia không chỉ là những quần đảo, mà chúng đều thuộc về một tảng lục địa rộng 4,9 triệu km2 nằm tách bạch khỏi Australia.

“Đây không phải là một khám phá đột ngột, mà xảy ra trong một thời gian dài, cách đây 10 năm trước, chúng tôi không có đủ dữ liệu cũng như tự tin phân tích để tổng hợp thành nghiên cứu này,” các nhà địa chất viết trên trang GSA Today, một tạp chí của Hiệp hội địa chất Hoa Kỳ.

Các nhà khoa học đứng tên trong nghiên cứu đều thuộc loại hàng đầu trong giới địa chất, nên khả năng kết luận của họ được công nhận là rất cao, theo đánh giá của Bruce Luyendyk – nhà vật lý học địa chất thuộc ĐH California, phát biểu với Business Insider.

Vì sao Zealandia gần như chắc chắn là một lục địa?

Vị trí của Zealandia (ảnh: N. Mortimer et al./GSA Today)
Vị trí của Zealandia (ảnh: N. Mortimer et al./GSA Today)

Cái tên Zealandia không phải mới, thực ra chính Luyendyk đã đặt cái tên này vào năm 1995.

Nhưng ông chưa bao giờ có ý định đặt cho một lục địa, mà chỉ là cái tên để mô tả vùng New Zealand, New Caledonia, và các mảnh, dải lục địa chìm dưới nước, trôi dạt ra từ Gondwana, một siêu lục địa cổ đại 200 triệu năm tuổi.

Cái tên Zealandia chính là cách ghép tên mà Luyendyk nghĩ ra khi nhìn vào bản đồ của vùng này.

Nhưng các nhà địa chất học đã đưa ý tưởng của Luyendyk lên một mức to lớn hơn nhiều. Có 4 yếu tố mà giới địa chất dùng để xác định xem một phiến đá có phải là lục địa hay không:

  1. Vùng đất trồi lên cao đáng kể so với đáy biển
  2. Có 3 loại đá: đá lửa (từ núi lửa), đá biến chất (do hơi nóng/áp suất), và lớp trầm tích (do xói mòn).
  3. Một lớp vỏ dày hơn, nhưng kém cô đặc hơn so với đáy biển xung quanh.
  4. “Có giới hạn rõ ràng quanh một diện tích đủ rộng để được xem là lục địa chứ không phải tiểu lục địa hay mảnh vỡ lục địa.”

Sau hàng thập kỉ thu gom những bằng chứng và kiểm chứng, các nhà địa chất đã xác định vùng New Zealand và New Caledonia phù hợp với yếu tố 1, 2 và 3 nêu trên.

Bản đồ độ cao của Australia và vùng Zealandia (ảnh: . N. Mortimer et al./GSA Today)
Bản đồ độ cao của Australia và vùng Zealandia (ảnh: . N. Mortimer et al./GSA Today)

Còn yếu tố thứ 4, do nước biển lấp đầy nên thoạt nhìn người ta có thể nghĩ Zealandia bị chia cắt thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, bản đồ độ cao và trọng lực của đáy biển cổ đại chụp từ vệ tinh đã cho thấy Zealandia thực chất là một vùng thống nhất. Dữ liệu cho thấy nó trải rộng “khoảng bằng diện tích của tiểu lục địa Ấn Độ”. Nó là một kiến tạo địa tầng đã bị bào mòn, kéo dẹp và chìm dưới nước trong khoảng thời gian hàng triệu năm.

Ngày nay, chỉ khoảng 5% diện tích của nó là có thể nhìn thấy – đó là lý do tại sao phải mất nhiều thời gian tới vậy để phát hiện ra.

Ý nghĩa

Khám phá này không chỉ có ý nghĩa trong khoa học, mà còn có thể ảnh hưởng tới việc phân chia ranh giới quốc gia.

“Ý nghĩa kinh tế rất rõ ràng và thực tế: Phần nào của lục địa mới này là thuộc về New Zealand, phần nào thì không?”, Luyendyk nói.

Các hiệp định của Liên Hiệp Quốc dùng biên giới lục địa để xác định nơi các quốc gia được khai thác tài nguyên ngoài biển – và lục địa mới này có thể mang về cho New Zealand hàng chục tỉ USD giá trị dầu mỏ và khoáng chất nằm ngoài khơi.

Theo Business Insider,
Phong Trần lược dịch

Xem thêm: