Kể từ đầu năm 2016 đến nay, nhất là sau cuộc bầu cử ở Mỹ, Facebook hiện đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã góp phần cho việc lan truyền các tin tức giả thất thiệt trên hệ thống mạng xã hội của mình.

 ‘Tin tức thất thiệt là một vấn nạn, tuy nhiên có những tin được cố tình tạo ra bởi những nguồn kém sức tin cậy, cũng như được quảng cáo và tuyên truyền.’ (ảnh: Dominic Lipinski/PA)
‘Tin tức thất thiệt là một vấn nạn, tuy nhiên có những tin được cố tình tạo ra bởi những nguồn kém sức tin cậy, cũng như được quảng cáo và tuyên truyền.’ (ảnh: Dominic Lipinski/PA)

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, các thông tin sai sự thật trong suốt quá trình bầu cử đã khiến Tổng Thống Barack Obama phải bày tỏ mối quan ngại về tin tức giả đối với quốc gia: “Nếu mọi người, bất kể là theo đảng Cộng hòa hay Dân chủ, cánh tả hay cánh hữu, không nguyện ý hợp tác và tham gia vào quá trình dân chủ, và mang quan điểm tuyệt đối hóa và ma quỷ hóa đối thủ, thì nền cộng hòa sẽ tan vỡ.”

>> Thế giới chọn Clinton, người Mỹ chọn Trump

Tại Việt Nam, theo thông tin ước tính của Facebook, có trên 30 triệu người hiện đang sử dụng, mỗi ngày dành ra 2,5 giờ đồng hồ để truy cập mạng xã hội này, gấp 2 lần thời gian dành cho việc xem TV và phần lớn là ở độ tuổi từ 18-34 . Trong khi đó theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền Thông thì có khoảng 41% dân số Việt Nam sử dụng Internet. Những con số trên cho thấy Facebook chính là nơi hội tụ chính của người dùng internet tại Việt Nam.

Sự tiện lợi và tin tức giả: 2 mặt của vấn đề

Bất cứ vấn đề nào cũng đều có hai mặt của nó, nói về mặt tốt, người dùng Facebook có thể tương tác với bạn bè, trò chuyện với người thân từ khoảng cách địa lý xa, chia sẻ cảm xúc để mọi người hiểu và cảm thông nhau hơn, chia sẻ những bí quyết sống, du lịch, mua sắm, kiếm tiền và còn có thể đọc báo chí, tin tức từ mọi ngóc ngách trên thế giới…

Thế nhưng kèm theo đó cũng là những vấn đề vô cùng nan giải, khi hầu hết người dùng Facebook lại là người trẻ đang trong độ tuổi học hỏi tìm tòi, yêu thích những điều mới lạ. Họ có thể tiếp thu những điều tốt, và chắc chắn cũng có thể bị lừa dối bởi những thứ xấu, sai sự thật.

Lấy một thí dụ, trong khoảng cuối năm 2015, rộ lên thông tin về việc “cần sa có thể chữa trị ung thư”. Đây có thể được xem là một trong những tin kém tính xác thực, tuy nhiên lại được rất đông người dùng Facebook toàn thế giới chia sẻ và bình luận trong suốt thời gian dài, gây nhiều ý kiến trái chiều và kéo theo nhiều hệ lụy. Mọi việc có lẽ không đi quá xa nếu không xuất hiện nhóm các bạn trẻ Việt Nam cổ súy cho việc sử dụng cần sa đứng ra thành lập Fanpage và quảng cáo mình là những người sử dụng cần sa y tế với mục đích chữa bệnh. Hiệu quả chữa bệnh chưa thấy, nhưng đã thấy số lượng lớn thanh niên vi phạm pháp luật, nghiện ngập, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và gia đình.

Một trong những tin thất thiệt chưa được kiểm chứng được lan truyền mạnh mẽ trên Facebook thời điểm cuối năm 2015. (Ảnh chụp từ Facebook)
Một trong những tin thất thiệt chưa được kiểm chứng được lan truyền mạnh mẽ trên Facebook thời điểm cuối năm 2015. (Ảnh chụp từ Facebook)

>> Cấp độ mới của nạn nghiện game khi có công nghệ thực tế ảo

Một ví dụ khác gần đây hơn, ngày 14/11/2016, Google thừa nhận đã sai lầm khi để cho một tin tức giả về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lọt vào vị trí top của phần “tin tức”.

Trách nhiệm thuộc về ai? 

Tất nhiên Facebook, Google là bên bị chỉ trích đầu tiên và nhiều nhất vì đã góp vai trò gián tiếp rất lớn vào việc lan truyền tin tức giả, tin đồn thất thiệt. Nhất là trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 vừa qua, hầu hết các tin đồn không xác thực về 2 ứng cử viên sáng giá Hillary Clinton và Donald Trump đều được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và nhất là qua Facebook, kéo lệch nhận thức của người dân và ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả bầu cử.

Đứng trước dư luận, Mark Zuckerberg đã phủ nhận trách nhiệm và phát biểu rằng: “Tôi nghĩ rằng ý tưởng cho rằng tin tức giả mạo trên Facebook ảnh hưởng đến kết quả bầu cử là một ý tưởng điên rồ – mà tin tức giả chỉ chiếm một phần nội dung vô cùng nhỏ”.

Trước đó, Facebook cũng đã từng đối diện với vấn đề tương tự. Đầu năm 2015, công ty này đã hứa cố gắng giảm thiểu tối đa những tin tức giả mạo bằng cách cung cấp cho người dùng công cụ tự báo cáo tin giả trên News Feed. 

Thế nhưng nỗ lực của công ty lại cho ra kết quả không mấy khả quan, thực tế cho thấy tin tức kém chất lượng – có thể nói rằng tin tức giả mạo xuất hiện càng ngày càng nhiều. Nhất là mới đây, theo The Verge, Facebook đã có một cuộc khảo sát về việc cho phép người dùng kiếm tiền bằng việc quảng bá và chia sẻ lợi nhuận từ mỗi bài đăng có hiện quảng cáo trên Facebook, chỉ cần bài viết có đủ sức thu hút một lượng người dùng cao và có khả năng chạy quảng cáo.

Từ đó, nhiều công ty truyền thông đã vô hình chung buông lơi tiêu chuẩn và đạo đức báo chí để đăng và quảng bá những tin bài kém chất lượng, tin lá cải có tiêu đề giật gân nhưng nội dung không đủ tính xác thực, chưa kể đến việc vi phạm bản quyền. Mục đích của những công ty này hầu hết là chạy theo lợi nhuận, danh tiếng tạm thời, và nghiêm trọng nhất là với mục đích chính trị, kéo lệch nhận thức của người dùng.

>> Cái ‘gạt tay vào má’, xảo thuật và tiếng nói của sự thật

Nói đến trách nhiệm của ngành truyền thông báo chí, phải một lần nữa nhắc đến tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo. Truyền thông báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả, đem lại ích lợi lâu dài cho bản thân cũng như công chúng, thì đầu tiên phải xây dựng trên cơ sở sự thật và gây được niềm tin. Người đưa tin cũng phải tự đặt cho mình lương tâm, đạo đức nghề nghiệp cơ bản và luôn xem việc học hỏi trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn làm trọng yếu, sau đó là dành nhiều thời gian, nhiều tâm huyết hơn cho việc nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn tin mang tính chính xác cao.

Đâu là giải pháp trước nạn tin tức giả?

Chịu nhiều áp lực ngày càng tăng, Facebook đã hứa sẽ cố gắng bằng mọi cách giảm thiểu tin tức giả mạo, và có thể sẽ bắt chước theo ông lớn Google, khóa toàn bộ những tin tức giả và trang mạng mà được người dùng báo cáo là kém chất lượng và sai sự thật khỏi hệ thống mạng lưới quảng cáo của mình, sau đó sẽ siết hoặc cắt đứt toàn bộ doanh thu quảng cáo của các trang tin tức cố tình xuất bản nội dung sai lệch.

 (Ảnh chụp từ Facebook)
(Ảnh chụp từ Facebook)

Mặc dù hành động của Facebook có thể được xem là mang tính hiệu quả cao, nhưng thực tế lại cho thấy điều này sẽ rất khó khăn khi Facebook không thể ngăn chặn việc người dùng muốn đọc cái mà họ thích, muốn chia sẻ điều mà họ thích, chính thị hiếu của khán giả là thị trường béo bở cho các công ty truyền thông kém chất lượng.

Tốt hơn hết, bạn hãy là người đọc thông minh

Mặc dù các giải pháp trên mới được áp dụng và nhiều người hưởng ứng, nhưng trong vấn nạn tin tức giả thì người dùng Facebook đóng vai trò quan trọng hơn, vì chúng ta chính là người đọc, tiêu thụ và chia sẻ những thông tin đó.

Thế giới ngày càng hội nhập, giới trẻ trí thức ngày một ham học hỏi tìm kiếm, đứng trước thật giả lẫn lộn hàng ngàn những tin tức được đăng tải mỗi ngày, mỗi chúng ta cần có chính kiến của bản thân và biết đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau về tính chính xác của thông tin để có được bức tranh toàn cảnh sự thật.

Một số yếu tố để phân biệt tin kém chất lượng là:

  • Tiêu đề mang nhiều từ ngữ giật gân “gây sốc”, mang tính hứa hẹn quá cao và đánh vào cảm xúc hơn là đưa tin.
  • Giọng điệu của bài viết không được trung dung, mà mang tính phê phán, đấu tranh, hoặc có xu hướng khẳng định quá mạnh trong khi không đưa ra đủ bằng chứng.
  • Bài viết không dẫn link nguồn thông tin.
  • Website thiết kế kém và thiếu chuyên nghiệp, nhiều quảng cáo nội dung xấu

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao kiến thức tổng quát, lựa chọn cho mình một cái nhìn khách quan nhất và cân nhắc tính thiệt hơn – lợi hại đối với từng sự kiện, tin tức được truyền tải.

Hãy có trách nhiệm hơn với những gì mình chia sẻ trên mạng xã hội, tìm hiểu trước khi share, nhưng đừng ngần ngại tích cực share những thông tin chân thực, hữu ích, mang đến lợi ích cho cộng đồng.

Ý Linh

Xem thêm: