Nếu muốn khởi nghiệp thành công, bạn cần phải trở thành một người điều hành chủ động, liên tục học hỏi và làm chỗ dựa vững chắc cho đồng đội.

pexels pavel danilyuk 5520293 scaled
Ảnh minh họa: Pexels.com

Điều hành doanh nghiệp là một hành trình dài xen lẫn cả niềm vui và nỗi đau. Nhưng đối với một số người, những nỗi đau đó cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và là trải nghiệm nhất định phải nắm bắt. Nếu bạn đang trong giai đoạn đầu bắt đầu kinh doanh hoặc đang trong quá trình phát triển doanh nghiệp, thì dưới đây là 10 lời khuyên hữu ích từ một doanh nhân đã có thâm niên 10 năm dành cho bạn.

1. Làm tốt mọi khía cạnh của công việc kinh doanh

Để bắt đầu rồi điều hành một công việc kinh doanh, bạn sẽ phải học hỏi rất nhiều thứ tưởng như không liên quan đến mục đích ban đầu của mình. Bạn cần biết cách quản lý con người, bán hàng, quản lý tài khoản, theo dõi tài chính, tạo hoạt động và hàng triệu việc nhỏ khác. Bạn cần có hiểu biết nhất định về cách vận hành của từng bộ phận trong doanh nghiệp rồi sau đó mới có thể tuyển dụng và đào tạo những người khác.

2. Tạo ra một mạng lưới hỗ trợ

Công việc của một doanh nhân tràn ngập những khó khăn. Bạn sẽ vượt qua những khoảng thời gian đầy mệt mỏi đó như thế nào nếu không có một mạng lưới hỗ trợ? Gia đình, bạn bè, người cố vấn và đối tác của bạn là những mắt xích sẽ trở thành mạng lưới hỗ trợ, giúp bạn duy trì tinh thần ổn định. Vì thế hãy trân trọng và bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp với họ.

3. Thuê những người thông minh hơn bạn

Kinh doanh là một môn thể thao đồng đội, không phải là một công việc đơn lẻ. Là một chủ doanh nghiệp, bạn cần nghĩ cách giúp công việc kinh doanh thuận lợi, nhân viên được đãi ngộ tốt, văn hóa doanh nghiệp khiến mọi người muốn cống hiến, chứ không phải bắt mọi thứ xoay quanh bạn. Bạn cần tìm những người thực sự giỏi về chuyên môn để xử lý các đầu việc mà bạn còn yếu. Bạn là người điều phối, định hướng từ tầng cao nhất, nhưng cũng đừng quên trao quyền cho các đồng đội của mình ở lĩnh vực họ giỏi nhất. Nếu bạn cảm thấy không thể tin tưởng những người đang làm việc với mình thì bạn đã tuyển sai người rồi đó.

4. Chăm chỉ tìm kiếm cơ hội

Có thể nói hoạt động bán hàng là mạch máu của mọi doanh nghiệp. Nếu không có doanh thu ổn định, doanh nghiệp của bạn sẽ không thể tồn tại. Khi mới khởi nghiệp, bạn không thể mong chờ đơn hàng về liên tục, doanh thu cao ngất ngưởng, lợi nhuận dương ngay lập tức. Trong vài năm đầu tiên, bạn hãy chăm chỉ tìm kiếm khách hàng bằng cách gõ cửa từng nhà, viết thư giới thiệu, gửi quà tặng, tham dự mọi sự kiện kết nối. Sau đó, bạn có thể rút kinh nghiệm và lập một nhóm bán hàng chuyên nghiệp.

5. Đặt mục tiêu cụ thể nhưng phải linh hoạt

Là một chủ doanh nghiệp, bạn cần phải đặt ra tầm nhìn rõ ràng cho doanh nghiệp của mình trong tương lai. Bạn muốn doanh nghiệp của bạn đứng ở vị trí nào, doanh thu đạt mức bao nhiêu, quy mô lớn ra sao? Cộng sự của bạn không thể hoàn thành công việcc mà không biết mục tiêu họ đang đuổi theo là gì. Hãy bắt đầu bằng việc lập một kế hoạch 5 năm để biến những mục tiêu đó thành hiện thực. Tuy nhiên, bạn không thể tính trước 100% rủi ro có thể xảy ra trong tương lai nên hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thay đổi để thuận theo các yếu tố thị trường

6. Không ngừng học hỏi·

Để gặt hái được thành công, bạn không bao giờ được ngừng học hỏi. Tất nhiên, các nguyên tắc cơ bản mà bạn đặt ra cho doanh nghiệp của mình vẫn giữ nguyên, nhưng bạn vẫn cần học hỏi để hiểu về xu thế phát triển của công nghệ, công cụ làm việc, nhu cầu của khách hàng, mức cạnh tranh trên thị trường…Nếu không liên tục vươn lên làm người dẫn đầu, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau. Ngoài ra, bạn cũng cần khuyến khích các cộng sự đầu tư cho việc học tập và phát triển cá nhân.

7. Tạo sự khác biệt

Trong một thế giới đang “nghẹt thở” vì tin nhắn, nội dung, thông báo và sự gián đoạn, bạn cần phải biết cách khác biệt hóa bản thân. Bạn cần tạo bộ nhận diện thương hiệu thật tốt để mọi điểm tiếp xúc (như email, giao diện web, mặt tiền cửa hàng…) đều mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa.

8. Là một nhà lãnh đạo chủ động

Bạn không thể gây dựng một doanh nghiệp thành công với cách làm việc thụ động. Bạn phải là một nhà lãnh đạo nhanh nhẹn, chủ động, liên tục thúc đẩy các nhân viên, khách hàng và đối tác trong guồng làm việc. Bạn cần phải học cách quản lý, hướng dẫn, góp ý mà không khiến người nghe cảm thấy bị áp đảo. Hãy để cộng sự của bạn được tâm sự thoải mái, chân thành lắng nghe, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở bạn. Chủ doanh nghiệp phải đưa ra hàng nghìn quyết định hàng tuần. Vì thế, bạn hãy hành động dứt khoát và tỉnh táo. Hãy sẵn sàng chấp nhận rủi ro có tính toán.

9. Trở thành chỗ dựa

Tất cả mọi người đều muốn có một người nào đó đáng tin cậy để dựa vào. Khi cộng sự của bạn cần một ai đó lắng nghe về kế hoạch tháng, cần một người tư vấn về pháp lý, cần bác sĩ “không chuyên” để giãi bày khó khăn…, bạn hãy trở thành nhân vật đáng tin cậy đó. Không ai muốn làm việc với một người chỉ biết lấy mà không bao giờ trao tặng.

10. Kết bạn

Khởi nghiệp có thể là một hành trình tràn ngập nỗi cô đơn. Lời khuyên cho bạn là hãy kết nối với càng nhiều doanh nhân, giám đốc điều hành cấp cao và các nhà lãnh đạo càng tốt. Bạn đến với họ không chỉ để chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên, mà những mối quan hệ này có thể dẫn đến các cơ hội kinh doanh hiệu quả trong tương lai. Nhưng bạn hãy nhớ rằng bạn đang tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng, thân thiết chứ không tạo ra các cuộc giao dịch.