Bộ Tài chính Việt Nam đang đề nghị chính quyền tỉnh Bình Dương hoặc phối hợp các bộ ngành khác rà soát nguồn gốc nhà, đất công tại 12/17 dự án nhà ở tại Bình Dương do nhóm công ty của gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư đang bị điều tra.

du an phu hong khang
Khu đô thị Phú Hồng Đạt có nguồn đốc đất là đất phi nông nghiệp, đất công nghiệp đã được đổi thành đất ở đô thị. (Ảnh: kinhtemoitruong.vn)

Theo văn bản do Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ, trong 17 dự án nhà ở do 4 công ty do bà Phạm Thị Hường và người thân đứng đầu làm chủ đầu tư, có 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với nhóm dự án này, để làm rõ việc chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân có hợp pháp hay không, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với 12 dự án còn lại, 7 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền một lần; 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng tài sản trên đất thuê (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền hàng năm.

Sau khi nhận chuyển nhượng đất thuê và tài sản trên đất thuê, các công ty của gia đình bà Hường đã lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Bộ Tài chính cho biết các quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại Quyết định 09/2007 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2017) và Nghị định 167/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đều không có hình thức UBND cấp thẩm quyền thực hiện giao chỉ định hoặc điều chuyển, chuyển giao từ cơ quan, tổ chức, đơn vị sang cho doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương rà soát hoặc phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát nguồn gốc nhà, đất tại 12 dự án nói trên để xác định các dự án này có thuộc đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, hình thức sắp xếp lại, xử lý tài sản công hay không?

Theo Tạp chí Doanh nghiệp, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi đất, ban hành các quyết định giao nhiều khu đất cho các công ty của gia đình bà Hường. Các khu đất này có nguồn gốc là đất sản xuất, đất thuê của nhà nước, đất công viên cây xanh… đã được chính quyền tỉnh Bình Dương thu hồi, cho phép chuyển đổi thành đất ở để phân lô bán nền.

Theo thống kê ban đầu, chỉ trong ba năm, từ 2017-2019 – thời điểm Bình Dương đề xuất thành lập TP Thuận An và TP Dĩ An, sau đó Quốc hội ra Nghị quyết chấp thuận vào cuối tháng 1/2020, bà Hường đã được UBND Bình Dương giao khoảng 500.000 m2 đất xây các khu nhà ở thương mại với trên 3.737 thửa đất. Đây cũng là thời điểm giá đất tăng chóng mặt.

Tính riêng năm 2018, chính quyền tỉnh Bình Dương đã giao cho bà Hường tới 8 khu đất để làm dự án bất động sản, tức trung bình 45 ngày được giao một khu đất, theo .

Theo trang Kinh tế Môi trường, để hợp thức hóa khối đất đai, vợ chồng bà Phạm Thị Hường – Phạm Hữu Đức dùng chiêu thức phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2.000m2 để được tách thửa, chuyển thành đất ở. Sau đó, vợ chồng bà Hường – Đức làm thủ tục tặng cho các con và tiếp tục tách thành nhiều thửa đất nhỏ từ 42,3m2 – 136,2m2.

Từ tháng 4/2010 đến tháng 5/2011, ông Đặng Văn Ba – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Thuận An đã ký tách thửa, cấp 1.059 sổ đỏ cho vợ chồng bà Hường và hai con. Cá biệt trong một ngày như ngày 17/1/2011, ông Ba ký đến 107 sổ đỏ, Vietnamnet dẫn thông tin.

ba Pham Thi Huong so do 01 1
Baf Phạm Thị Hường thường “khoe” có hàng nghìn sổ đỏ tại các dự án khu dân cư. (Ảnh: dẫn qua kinhtemoitruong.vn)

Đầu tháng 10/2020, báo cáo phúc đáp do Thanh tra Chính phủ gửi Văn phòng Chính phủ kết luận đối với 17 dự án của nhóm doanh nghiệp gia đình bà Hường như sau: “Các dự án chuyển nhượng đất có nguồn gốc chuyển đổi mục đích từ đất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở có nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và quy phạm pháp luật về quy hoạch quản lý sử dụng đất tại đô thị theo Nghị quyết 116NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ”. 

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là vụ việc phức tạp, được công luận phản ánh nhưng trong báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương gửi Văn phòng Chính phủ chưa thể hiện rõ hết nội dung trong đơn thư phản ánh của báo chí. Thanh tra Chính phủ thông báo vụ sai phạm tại 4 Công ty của đại gia Phạm Thị Hường nằm trong kế hoạch Thanh tra 2020 của Thanh tra Chính phủ. Thời gian dự kiến triển khai thanh tra tại tỉnh Bình Dương vào Quý 3/2020.

Tháng 6/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03), Bộ Công an đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến 17 dự án của 4 doanh nghiệp trên địa bàn.

4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh; Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam; Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land; Công ty TNHH thương mại dịch vụ Bất động sản Phú Phong, do bà Phạm Thị Hường làm chủ hoặc có quyền sở hữu liên quan đến gia đình bài Hường.

Ngoài ra, C03 đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp kết luận thanh tra năm 2014 về việc phân lô bán nền tại thị xã Thuận An (nay là TP.Thuận An), cũng liên quan đến bà Hường. Bản kết luận thanh tra này nêu tên nhiều cán bộ nhà nước đã “tiếp tay” giao đất trái quy định, tách thửa, cấp sổ đỏ.

Nguyễn Minh

Xem thêm: