Sau 2 năm, tổng dư nợ của 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương giảm 124 tỷ so với đầu năm 2018. Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.673 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên 63.610 tỷ đồng (tăng 45,65%).

12 du an thu lo
Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ trong quá trình thi công, tháng 12/2009. (Ảnh: pvtex.com.vn)

Ngày 17/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cung cấp thông tin về 12 dự án thua lỗ của ngành.

Cụ thể, trong 6 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thì có 2 nhà máy đã có lãi. Hết 8 tháng đầu năm, dự án DAP1 Đình Vũ (Hải Phòng) có lãi 147,68 tỷ đồng và nhà máy thép Việt Trung có lợi nhuận 527,4 tỷ đồng.

4 dự án còn lại, Bộ đều có phương án tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất nên số lỗ đang giảm dần. Mục tiêu trong năm 2018 là cơ bản giải quyết khó khăn, vướng mắc và đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý thua lỗ.

Với nhóm 3 dự án tạm dừng thi công, ông Hưng cho biết dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tiến hành bán đấu giá lần 1 nhưng chưa thành công và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để bán đấu giá lần 2; hai dự án còn lại đang tìm đối tác để có thể vận hành trở lại.

Nhóm các dự án được đầu tư lớn nhưng phải dừng sản xuất gồm PVTEX Đình Vũ; Nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhiên liệu sinh học Bình Dương. Hiện 3 dây chuyền sản xuất của PVTEX Đình Vũ đã đi vào sản xuất cho sản phẩm chất lượng tốt, thời gian tới sẽ vận hành toàn bộ dây chuyền. Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất sẽ tái khởi động khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Cũng theo ông Hưng, sau 2 năm, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018. Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết việc xử lý 12 dự án gặp phải nhiều nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là nhóm vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án. Đến nay vẫn còn 8 dự án đang có vướng mắc liên quan đến hợp đồng này.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay 47.451 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Tổng số lỗ luỹ kế tính đến hết ngày 31/12/2017 của 10 nhà máy là 18.678 tỷ đồng, tăng 2.552 tỷ so với 2016. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả là 58.504 tỷ đồng, tăng 3.440 tỷ so với 2016, trong đó nợ phải trả ngân hàng VDB là hơn 10.600 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là hơn 4.200 tỷ đồng.

Nguyễn Quân

Xem thêm: