Dưới đây là 5 lý do để lạc quan một cách thận trọng về nền kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2023, có lẽ năm 2023 sẽ không xuất hiện suy thoái. Nhưng cũng có những khảo sát cho thấy hầu hết các nhà kinh doanh chính giao dịch trực tiếp với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) không nhìn nhận theo cách này.

shutterstock 113480041
(Nguồn: michaeljung/ Shutterstock)

Vào năm 2022, các tiêu đề kinh tế của Hoa Kỳ đều liên quan đến lạm phát tràn lan, tăng lãi suất quá mức, và lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng tăng.

Đối với chứng khoán, chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ) mất 1/5 giá trị, và chỉ số tổng hợp NASDAQ (tất cả các cổ phiếu của sàn giao dịch trong nước và quốc tế đã niêm yết trên thị trường) mất hơn 1/3.

Cả 3 chỉ số chính đều có một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng cũng có một số điểm sáng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, làm dấy lên hy vọng rằng năm 2023 sẽ không phải là cuộc suy thoái tiếp theo.

Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy sự lạc quan thận trọng về nền kinh tế Mỹ trong năm 2023, cũng như sự bi quan từ các ngân hàng lớn cho rằng nền kinh tế sẽ trượt vào suy thoái.

1. Thị trường việc làm vẫn ổn định

Tháng 11/2022, nền kinh tế đã tạo thêm 263.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,7%, giảm mạnh so với mức gần 15% vào mùa xuân năm 2020.

Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu vẫn ở mức thấp, mặc dù có hàng ngàn nhân viên bị sa thải tại các công ty công nghệ và truyền thông như Amazon, Twitter và Meta.

Dữ liệu mới được công bố vào tuần trước cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng lên 225.000 đơn, vẫn ở mức thấp trong lịch sử, và gần như ngang bằng với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ một năm trước.

Ông Mark Zandi, Nhà kinh tế trưởng tại Công ty Moody’s Analytics, nói với CNN: “Đây là lý do để lạc quan rằng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái. Trong trường hợp không có tình trạng sa thải hàng loạt, người tiêu dùng khó có thể ngừng chi tiêu. Nền kinh tế cũng khó có thể bị suy thoái.”

2. Lạm phát đang hạ nhiệt

Chi phí sinh hoạt vẫn còn quá cao, nhưng lạm phát dường như đã lên đến đỉnh điểm. Tháng 11/2022, giá tiêu dùng tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm qua. Nhưng điều đáng mừng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 5 tháng liên tiếp.

Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể làm giảm đáng kể nguy cơ suy thoái. Nhưng nếu lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED, thì đó là một vấn đề.

3. Giá xăng giảm mạnh

Giá xăng cao là vấn đề đau đầu nhất của người tiêu dùng trong hầu hết năm 2022.

Tháng 6/2022, lần đầu tiên giá xăng tăng vọt trên 5 USD/gallon (đơn vị đo lường bằng 4,54 lít ở Anh, 3,78 lít ở Mỹ). Hiện giá bình quân của xăng thông thường trên toàn nước Mỹ đã giảm xuống còn 3,10 USD/gallon, mức thấp nhất trong 18 tháng, trước khi tăng lên khoảng 3,22 USD/gallon trong những ngày gần đây.

Vào mùa xuân và mùa hè năm 2023, dự kiến giá xăng ​​sẽ tăng trở lại. Nhưng ít nhất là hiện tại các chuyên gia không dự đoán giá xăng sẽ quay trở lại mức 5 USD/gallon.

4. Tiền lương thực tế đang tăng lên

Tiền lương đã tăng trong hầu hết năm qua, nhưng lạm phát thậm chí còn tăng nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là tiền lương đã bị thu hẹp khi được điều chỉnh theo lạm phát.

Dấu hiệu tốt là xu hướng này đã bắt đầu đảo ngược, ít nhất là về tiền lương hàng tháng. Tiền lương thực tế đã tăng nhanh hơn giá tiêu dùng. Sự thay đổi lớn này có thể cung cấp cho người tiêu dùng động lực để tiếp tục chi tiêu trong năm tới.

5. FED sẽ không tăng lãi suất quá cao

Cách FED phản ứng với lạm phát là một yếu tố lớn dự báo về rủi ro suy thoái. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang kìm hãm nền kinh tế một cách hiệu quả.

Chi phí đi vay tăng vọt đã gây suy thoái sâu sắc cho thị trường nhà ở, bộ phận nhạy cảm nhất với lãi suất của nền kinh tế.

Điều đáng lo ngại là FED đã đi quá xa, tăng lãi suất quá cao và quá lâu, đến mức tạo ra một cuộc suy thoái.

Các quan chức của FED đã phát tín hiệu rằng họ có thể chuẩn bị tạm dừng nỗ lực chống lạm phát vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Mặc dù FED vẫn chưa sẵn sàng đạp ga tăng tốc cho nền kinh tế bằng cách cắt giảm lãi suất. Nhưng miễn là FED thả phanh, sẽ có những mặt tích cực.

2/3 ngân hàng lớn dự báo suy thoái vào năm 2023

Tuy nhiên, báo cáo của Wall Street Journal lại kém lạc quan hơn, khi các ngân hàng lớn dự đoán một cuộc suy thoái ở Mỹ sắp xảy ra.

Hơn 2/3 trong số 23 tổ chức tài chính lớn giao dịch trực tiếp với FED đang đặt cược rằng Hoa Kỳ sẽ trải qua suy thoái vào năm 2023. Hai tổ chức khác dự báo sẽ có một cuộc suy thoái vào năm 2024.

Các nhà giao dịch chính này bao gồm Ngân hàng Barclays, Bank of America, TD Securities và UBS. Tất cả đều đưa ra những dấu hiệu đáng báo động như: Người Mỹ đang tiêu sạch tiền tiết kiệm do đại dịch, thị trường nhà đất đang lao dốc, và các ngân hàng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay.

FED đã tăng lãi suất 7 lần vào năm 2022, đẩy lãi suất chuẩn từ 0% – 0,25% lên 4,25% – 4,50% hiện tại, mức cao nhất trong 15 năm qua. Tháng 12/2022, giới chức báo hiệu rằng họ có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất lên từ 5% – 5,5% vào năm 2023.

Hầu hết các tổ chức kinh tế được khảo sát đều kỳ vọng lãi suất cao hơn sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ mức 3,7% trong tháng 11 lên trên 5%. So với tiêu chuẩn lịch sử, con số này vẫn còn thấp, nhưng bản thân mức tăng này có nghĩa là hàng triệu người Mỹ sẽ mất việc làm.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Hoa Kỳ thu hẹp đều cho rằng đây sẽ là một cuộc suy thoái “nông” hoặc “nhẹ”.

Họ kỳ vọng nền kinh tế và chứng khoán Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm 2023, phần lớn nhờ FED chuyển sang cắt giảm lãi suất. Nhìn chung, họ kỳ vọng trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận cao vào năm 2023, trong khi cổ phiếu sẽ tăng nhẹ trong năm.